"Con không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gửi cho họ Thánh Giá sao?"

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Tu đoàn khác Tu hội ở chỗ nào?

Nếu xét về mặt từ ngữ mà thôi, thì "Tu đoàn""Tu hội" không có gì là khác nhau, vì cả hai đều chỉ một tập thể những người đi tu.
Trong tiếng Việt, chưa có sự thống nhất về các từ ngữ được dùng để chỉ các tu hội, hay tu đoàn. Ví dụ Dòng Nữ Tử Bác Ái thực ra là một Tu đoàn tông đồ theo giáo luật. Hoặc người ta cũng gọi Tu Hội Xuân Bích, thực ra đó là một tu đoàn tông đồ.

Bộ giáo luật hiện hành dùng các từ ngữ như sau:
1. Institutes of Consecrated Life: Tu Hội đời sống thánh hiến (GL 573-606)
Các Tu Hội này lại được chia làm 2 loại:
- Religious Institutes (GL 607-709): Dòng tu, Hội dòng
- Secular Institutes (GL 710-730): Tu Hội đời

2. Societies of Apostolic Life (GL 731-755):
Tu đoàn Tông Đồ, Tu Hội đời sống thánh hiến là những tổ chức qui tụ các tín hữu muốn sống đời thánh hiến để phục vụ Chúa và Giáo Hội. Các Tu Hội này khác với Tu đoàn tông đồ ở chỗ các phần tử của Tu Hội đời sống thánh hiến có lời khấn (hay lời thề, hoặc mối dây ràng buộc nào khác), nghĩa là giữ ba lời khuyên Phúc Âm, còn các Tu đoàn tông đồ thì không có các mối dây ấy (ít là xét dưới khía cạnh pháp lý).

Các Dòng tu có 3 đặc điểm chính sau đây:
a. Các phần tử tuyên giữ 3 lời khuyên Phúc Âm (khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời) với lời khấn công.
b. Họ có đời sống chung
c. Và xa cách đời

Các Tu hội đời có các đặc điểm:
a. Không có lời khấn công nhưng chỉ có mối dây ràng buộc thánh;
b. Không có đời sống chung;
c. Sống giữa đời. Chính điểm này tạo nên bản chất của họ. Họ cũng không có tu phục, thường không có cơ sở chung.

Các Tu đoàn tông đồ:
a. Không có lời khấn công, nhưng chỉ có một mối dây ràng buộc nào đó, kể cả mặc nhiên.
b. Có đời sống chung. Điểm này làm cho họ gần các Dòng tu và khác các Tu hội đời (Trong giáo luật cũ năm 1917, họ được gọi là 'Các Hội sống chung không có lời khấn - societas viventium in comuni sine voto').

Giáo luật số 731, §1 xác định: "Các Tu đoàn tông đồ được coi như tương đương với Tu Hội đời sống thánh hiến. Các phần tử của Tu đoàn, tuy không có lời khấn dòng, nhưng theo đuổi mục tiêu tông đồ riêng của Tu đoàn, và nhắm tới sự trọn lành của đức ái do việc sống chung theo một nếp sống đặc thù, và do việc tuân giữ hiến pháp".

GL 731, §2: “Trong số các Tu đoàn ấy, có những Tu đoàn trong đó có các phần tử chấp nhận các lời khuyên Phúc Âm với một dây ràng buộc do hiến pháp xác định”.

Qua những điều trên đây, chúng ta thấy có một tiêu chuẩn khá quan trọng để phân loại các tập thể tu trì, đó là khấn công và khấn tư. Các Dòng tu (Hội dòng) có lời khấn công, còn các Tu hội đời và Tu đoàn tông đồ chỉ có lời khấn tư hay còn được gọi là lời thề, lời hứa, hay là lời cam kết.

Vậy lời khấn là gì? Lời khấn công khác với lời khấn tư như thế nào? 
Dựa theo thần học cổ điển, khoản số 1191, §1của Giáo luật hiện hành định nghĩa lời khấn là “Lời khấn là lời hứa cách ý thức và thong dong đối với Thiên Chúa, về một điều thiện tốt hơn và có thể thi hành được.” Áp dụng vào đời tu, ta có thể nói rằng khấn có nghĩa là hứa với Chúa sẽ tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời (còn khi thề, thì đương sự hứa với một người khác - chứ không hứa với Chúa - và xin Chúa đến chứng giám). Theo Giáo luật số 1192, § 2 “Lời khấn được gọi là “công” nếu được Bề trên hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo Hội; ngược lại là lời khấn “tư.” Như vậy, lời khấn là “công” không phải vì được khấn công khai, nhưng vì Giáo Hội nhìn nhận là như vậy. Trong thực tế, chỉ có các lời khấn trong các Dòng tu (Hội dòng) mới được nhìn nhận là lời khấn “công.”
(Theo LM Phan Tấn Thành OP, “Dân Thiên Chúa”, tập 4, Roma 1994, tr. 556-558) 

Giải thích thêm về trường hợp Tu Đoàn Nhà Chúa
Một đặc tính của Tu đoàn tông đồ là không có lời khấn dòng (hiểu là lời khấn “công” như các dòng tu), nhưng các thành phần của tu đoàn vẫn hướng tới sự trọn lành của đức ái. Giáo luật số 731, §1 & § 2 viết rằng: “Các tu đoàn tông đồ được coi như tương đương với hội dòng tận hiến. Các phần tử của các tu đoàn tông đồ, tuy không có lời khấn dòng, nhưng theo đuổi mục tiêu tông đồ riêng của tu đoàn, và nhắm tới sự trọn lành của đức ái do việc sống chung theo một nếp sống đặc thù, và do việc tuân giữ hiến pháp. Trong số các tu đoàn ấy, có những đoàn trong đó các phần tử chấp nhận các lời khuyên Phúc Âm với một dây ràng buộc do hiến pháp xác định.” Có hiến pháp tu đoàn xác định đó là một lời cam kết (commitment), một lời hứa (promise) hoặc một lời thề (oath) tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm. Dầu sao đi nữa, đây không phải là lời khấn “công” như trong trường hợp các dòng tu hoặc hội dòng.

Đó chỉ là về mặt pháp lý thôi, chứ về mặt thần học, thì các thành viên của tu đoàn tông đồ cũng như các phần tử của các Hội dòng thánh hiến. Bên cạnh lời cam kết gia nhập tu đoàn, các phần tử cũng thực sự theo đuổi đức ái trọn hảo và áp dụng nếu sống thực hành cũng giống như các tu sĩ (khổ chế, cầu nguyện, v.v.)
Các nữ tử bác ái thánh Vinh Sơn Phaolô hoặc các cha dòng Lazzariste (được thành lập năm 1625), là 
những thành viên của các tu đoàn tông đồ. Tuy không có lời khấn công, nhưng họ vẫn giữ các lời khuyên Phúc Âm, thêm vào đó họ còn có lời khấn (vow) thứ tư: dành trọn cuộc đời cho sứ vụ tông đồ. Ai có thể nói các Nữ tử bác ái thánh Vinh Sơn Phaolô không nghiêm ngặt trong việc sống khiết tịnh, thanh bần và vâng phục?



Tóm lại, việc tuân giữ 3 lời khuyên Phúc Âm của Tu đoàn Tông Đồ Nhà Chúa, tuy không phải là 3 lời khấn dòng “công” như trường hợp các dòng tu,- xét về mặt giáo luật - nhưng vẫn là một lời cam kết theo sự xác định của Hiến Pháp Tu Đoàn. Giáo luật để mở về vấn đề này, hầu cho mỗi tu đoàn xác định theo chủ đích riêng của tu đoàn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét