Têrêxa của Chúa Giêsu
Ở Avila, năm 1534, một thiếu nữ 19 xuân xanh đến gõ cửa nữ Đan Viện Cát-Minh. Con người xinh đẹp làm sao! “Thân hình gọn gàng trong chiếc áo nhung bó sát, chiếc váy rộng đong đưa bằng lụa màu cam, viền chéo bằng nhung đen.” Cô thành công trong mọi sự ở thế gian và tương lai đầy hứa hẹn. Vậy tại sao một năm sau đó cô lại vào đan viện này?
Chính bởi cô khao khát thứ nước mà thế gian không thể cung cấp cho cô, và chỉ có Chúa Giêsu mới rót được vào lòng cô như xưa kia Ngài đã làm cho thiếu phụ Sa-ma-ri. Chúa Giêsu ấy, cô ngày càng khám phá ra đang hiện diện trong đời cô, nhờ điều cô gọi là tâm đàm (cầu nguyện), và không gì khác hơn là “một cuộc chuyện trò tâm tình thân thiết, thường xuyên được lặp đi lặp lại trong thinh lặng và cô tịch với Đấng mà cô biết là rất yêu cô”.
Chúa Giêsu ấy, ngày càng thêm đòi hỏi, không còn có thể chấp nhận cho con tim Têrêxa bị trói buộc quá nhiều với những tình bạn nhân loại, dù chẳng có gì đáng trách, nhưng cũng khiến tình cảm của cô bị chi phối quá đáng, không thể hiến dâng trọn vẹn đời mình cho Đấng đã tự trao ban cho đến chết vì cô.
Nói khác đi, công nương lộng lẫy Têrêxa Ahumađa Cepeda (như ở trong tu viện người ta vẫn còn gọi cô như thế) phải trở thành Têrêxa của Chúa Giêsu, nồng nàn và tận hiến. Đó là điều đã xảy ra vào một ngày mùa xuân năm 1554, trong khi cô đang cầu nguyện trước một tượng Chúa Kitô “đầy thương tích”.
Từ giờ phút ấy, cuộc đời chị không còn là của chị nữa, nhưng là của Chúa Giêsu ở trong chị, một Chúa Giêsu ngày càng hiện diện hơn lên, đến độ chị tiếp tục mơ tưởng đến Ngài cả trong giấc ngủ. Một ngày kia, chị thú nhận với cha giải tội rằng: “Không thể tưởng tượng được một sự say đắm nào lớn hơn lòng chị say đắm Chúa: chị không ngơi nói với Chúa và nói về Chúa.”
Trước bao ân sủng tuôn đổ như thác xuống tâm hồn chị, con tim Têrêxa ngày càng gắn bó với con tim của Người Bạn thần linh, đến độ chị không còn tìm kiếm gì khác ngoài “danh giá” và “quyền lợi” của người bạn ấy.
Thế giới đang bốc cháy, các cuộc chiến tranh tôn giáo đang gầm thét tại Pháp, gieo rắc hãi hùng khắp nơi. Phải làm gì để chặn đứng cơn đại họa ấy? “Tôi sẵn sàng dâng hiến ngàn cuộc đời tôi để cứu lấy một trong vô số linh hồn đang hư mất trong các cuộc chiến ấy. Thế nhưng chỉ là phụ nữ và còn quá bất toàn, tôi cảm thấy bất lực để thực hiện điều tôi muốn làm vì vinh quang Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa có quá nhiều kẻ thù và quá ít bạn hữu, tất cả niềm mơ ước của tôi là, ít nữa, các bạn hữu ấy phải tận tâm hết tình với Ngài. Cho nên, tôi quyết định làm điều ít ỏi mà tôi có thể làm được: đó là tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng càng trọn vẹn càng tốt, và khuyến khích một số nữ tu trong đan viện này cũng sống như thế”.
Đan Viện này, chính là Đan Viện Thánh Giuse Avila, thành lập ngày 24-08-1562, và sau đó, độ 15 đan viện khác cũng được xây cất theo cùng một khuôn mẫu. Một nếp sống thật theo sát Tin Mừng, kết hợp bằng sự nghèo khó, đơn sơ, sự từ bỏ thật anh hùng, sự cô tịch và cầu nguyện.
Người nữ tu Cát-Minh ẩn mình sau các chấn song sắt không phải để thụ hưởng cách ích kỷ sự hiện diện của một Chúa Giêsu cho riêng mình nhưng là để dâng hiến cuộc đời vì phần rỗi thế gian.
Sự tiếp nối công trình vĩ đại
Sau này, chị Edith Stein cũng sẽ nói như thế. Chị là một trong những người con gây nhiều xúc động nhất của thánh Têrêxa Cả. Chị chết trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Chị nói:
"Vị hôn thê của Chúa Kitô đứng bên cạnh Ngài, như Giáo Hội và như Mẹ Thiên Chúa là hiện thân tuyệt hảo của Giáo Hội. Nhờ hiến trọn bản thân và cuộc sống, vị hôn thê hội nhập vào cuộc sống và công trình của Chúa Kitô, và nhờ đó, cùng đau khổ và cùng chết với Ngài, cái chết khủng khiếp đã trở thành nguồn sống cho nhân loại.
Như thế, vị hôn thê của Thiên Chúa sẽ nếm được một tình mẫu tử tâm linh bao trùm nhân loại hoặc bằng cách tích cực tham gia vào việc hoán cải các tâm hồn, hoặc bằng cách hiến tế đời mình để mang lại hoa quả ân sủng cho những người mà chị không bao giờ được gặp mặt trên cõi đời này.”
Để đưa một công trình vĩ đại như thế đạt tới sự thành tựu tốt đẹp, Têrêxa đã nhận được sự trợ giúp vô cùng quý báu của một người vĩ đại khác về mặt thánh thiện và chiêm niệm, đó là Thánh Gioan Thánh Giá, chim đầu đàn của các nam đan sĩ Cát-Minh trong cuộc cải tổ của Thánh Têrêxa.
Cũng như Thánh Gioan Thánh Giá, vị thánh nữ Cát-Minh đã để lại tư tưởng ngài cho chúng ta trong nhiều quyển sách được xem như những viên ngọc quý giá của nền văn học Kitô Giáo. Trong đó, ngài không đề cập đến điều gì khác hơn là việc tâm đàm như đã nói trên đây. Từ ngày nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, mỗi người trong chúng ta đều mang tận đáy tâm hồn mình Đấng sáng tạo các thế giới, Mặt Trời Công Chính.
Dù chúng ta có nghĩ đến hay không, chúng ta từ khước hay yêu mến Ngài, chính Ngài vẫn là Đấng ban sự sống và ánh sáng cho chúng ta, chính Ngài ban cho chúng ta hơi thở và lời ca. Tâm đàm là phơi bày tâm hồn chúng ta, dù trong khoảnh khắc, để cho các tia sáng của mặt trời ấy sưởi ấm, và nếu có thể được, đốt cháy chúng ta. Hãy thử thực hành điều Mẹ Têrêxa dạy, rồi chúng ta sẽ thấy đời mình đổi mới.
Mẹ Têrêxa qua đời năm 67 tuổi, sức cùng lực kiệt vì bao công việc và những chuyến đi tông đồ nhằm mục đích thành lập các đan viện. Trước khi trút thở hơi cuối cùng, mẹ đã kêu lên: “Lạy Chúa và là Đức Phu Quân của con, đã đến giờ hồn con sắp được no thoả chính Chúa, là Đấng con vô cùng khao khát."
“Ước mong không gì làm bạn nao núng,
Ước mong không gì làm bạn khiếp đảm,
Mọi sự đều qua đi,
Thiên Chúa không bao giờ thay đổi.
Sự kiên nhẫn chiến thắng tất cả.
Ai có được Thiên Chúa
Không thiếu thốn điều gì.
Chỉ một mình Chúa là đủ rồi.”
(Thánh Têrêxa của Chúa Giêsu)
Tu huynh Joseph Baudry
Đan sĩ Cát-Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét