Dòng Biển Đức (Ordo Sancti Benedicti=Ordre de Saint Benoit=Order of Saint Benedict=OSB) đã hiện hữu từ đầu thế kỷ thứ VI do thánh Biển Đức sáng lập.
1. Nguồn gốc, tiểu sử vị sáng lập Dòng - Thánh Tổ Phụ Biển Đức
Thánh Biển Đức sinh năm 480 tại Nursie (Trung Ý) cùng với người em gái song sinh là Scolastica,là con của một gia đình trung lưu. Năm 14 tuổi, ngài đi học ở Roma. Để phản ứng lại thời cuộc đồi phong bại tục và để thực hiện ước muốn là chỉ yêu mến một mình Thiên Chúa, ngài đã bỏ học và lánh vào hang núi Subiaco sống đời sống cô tịch. Ngài đến ẩn tu tại Enfidc, sau đó đến sống hoàn toàn biệt cư trong một hang động ở Subiacô suốt 3 năm, chỉ nhờ một đan sĩ tên là Romanô thỉnh thoảng đem đến cho ngài ít lương thực để sống.
Sau 3 năm, các mục đồng tìm thấy ngài, rồi dần dần "hữu xạ tự nhiên hương" nhiều người đã xin ngài hướng dẫn thiêng liêng, một số xin ở lại thọ giáo. Khoảng năm 500, do gương sống thánh thiện đạo đức, ngài được chọn làm Đan Viện Phụ nhà Vicovaro, nhưng sau đó ngài đã rút lui. Năm 520, ngài lập Đan Viện Subiaco và dần dần phát triển thêm 12 đan viện nữa, xung quanh Subiaco.
Vào khoảng năm 529, ngài giao các đan viện ở Subiacô cho một số đồ đệ, rồi ngài cùng một số môn đệ khác tiến về miền Nam cách Rôma 60 cây số lên trên đỉnh Monte Cassinô lập một đan viện. Nơi này sau đó trở thành trung tâm đan tu, văn hóa, tôn giáo. Cũng tại nơi đây, năm 535 ngài đã hoàn thành Bộ Tu Luật mang tên Ngài có chiều kích rộng lớn và nội dung đầy đủ nhất so với các bộ luật đương thời. Bản qui luật này sau đó được Đức Giáo Hoàng Grégôriô Cả phổ biến, nó nhanh chóng được nhìn nhận như là "Cách diễn tả tuyệt tác và thực tiễn nhất sự khôn ngoan cổ truyền của đời sống viện tu," bởi vì Qui Luật của ngài mang tính Tin Mừng.
Ngày 21-03-547, Thánh Biển Đức qua đời tại Monte-Cassino, hưởng thọ 67 tuổi. Năm 670, hài cốt ngài được di chuyển và đặt tại Đan Viện Saint Benoit-Sur-Loir (Pháp). Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chọn ngài làm “Quan Thầy Châu Âu” và kính hằng năm ngày 11/7. Các đan sĩ Biển Đức mừng kính riêng sinh nhật trên trời của ngài ngày 21/3 và mừng kính chung với toàn thể Giáo Hội ngày di chuyển hài cốt là 11/7.
2. Tu Luật Biển Đức
“Tuyệt đối không quí mến gì hơn Chúa Kitô” (Tu Luật 72, 11).
1.- Luôn nhấn mạnh đến Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Linh đạo Thánh Biển Đức xây dựng trên nền tảng Kinh Thánh, trang nào cũng qui chiếu vào Lời Chúa, vì thế có giá trị bất hủ và bao trùm mọi chiều kích: Ba Ngôi, Kinh Thánh, cánh chung, con người, đại kết, Tin Mừng, tạ ơn. Tất cả đời sống của đan sĩ được hấp dẫn nơi Chúa Kitô: thấy Chúa Kitô trong mọi sự, đặc biệt nơi Đan Viện Phụ, nơi các anh em, nơi khách đến thăm, nơi người nghèo khó bệnh tật.
2.- Đan Viện là “Trường Học Phụng Sự Chúa”, trong đó Thầy Dạy là Chúa Thánh Thần. Đan Viện Phụ là người đại diện Chúa Kitô. Các đan sĩ phải từ bỏ ý riêng, mặc lấy khí giới rất mạnh mẽ cao quí là sự tuân phục, để chiến đấu cho Chúa Kitô là vua thật và sống Đức Tin, Cậy, Mến. Dù không trực tiếp viết nhiều về Chúa Thánh Thần, nhưng hầu như trang nào cũng nở rộ hoa trái Thánh Thần.
3.- Bộ Luật mực thước và trong sáng
Luôn luôn Thánh Biển Đức nhắc tới sự cẩn trọng chừng mực, tránh những thái quá và bất cập trên đường tu, đồng thời quan tâm đến hết mọi sinh hoạt của anh em. Sự quân bình được thể hiện qua cách sắp xếp bố trí sinh hoạt của cộng đoàn, phân chia rõ ràng hợp lý các phần vụ chính: thần vụ, lao tác, học vấn…
Lời lẽ bản văn toát lên vẻ kỳ diệu vừa mạnh vừa êm, rất đòi hỏi yêu sách, tận căn, triệt để đến mức tối đa như vang lại lời mời gọi của Chúa Kitô: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).
2. Hội Dòng Biển Đức trên thế giới.
Hiện nay Dòng Biển Đức có 20 Đan Hội, đan hội Subiacô là một trong 20 đan hội; Đan Hội Subiacô trên toàn thế giới có 1154 đan sĩ (khấn trọng và khấn tạm), hiến sinh (oblat) 15, tập sinh 76, tổng cộng là 1245 đan sĩ, có mặt trên khắp năm Châu. Đan hội Subiacô chia thành 9 Tỉnh Dòng, và mỗi Tỉnh dòng lại có các đan viện. Bề trên Tổng quyền của Dòng Biển Đức là Cha Thống phụ (Abbé Primat); đứng đầu Đan hội là Đan phụ Chủ tịch (Abbé Président); đứng đầu Tỉnh dòng là Tỉnh phụ (Abbé Visiteur) và đứng đầu đan viện là Đan phụ hoặc Đan trưởng.
Tỉnh dòng Biển Đức Việt Nam thuộc Đan hội Subiacô. Theo Hiến pháp của đan hội Subiacô, Đan phụ Chủ tịch sẽ thăm viếng các tu hội theo định kỳ ba năm một lần.
Dòng Biển Đức tại Việt Nam
- Ngày 10-11-1936, cha Maur Massé, đan sĩ thuộc đan viện La Pierre Qui Vivre, Pháp, lập đan viện đầu tiên tại Đà Lạt, sau thành trụ sở cho đến năm 1954.
- Ngày 10-6-1940, hai đan sĩ đan viện La Pierre Qui Vivre là cha Dom Romain Guillaume và Dom Corentin thành lập đan viện Thiên An, Huế. Sau đó, các đan sĩ đan viện Thiên An tiếp tục thành lập thêm 3 đan viện khác nữa. Tất cả đều thuộc tỉnh dòng Pháp.
- Năm 1988, các đan viện ở Việt Nam tách khỏi tỉnh dòng Pháp, lập thành tỉnh dòng Biển Đức Việt Nam, với Bề trên Giám tỉnh tiên khởi là cha Tađêô Phạm Quang Điện, Đan phụ đan viện Thiên Bình.
- Năm 1993, Bề trên Giám tỉnh kế nhiệm là cha Stêphanô Huỳnh Quang Sanh, Đan phụ Đan viện Thiên An. Cha sinh năm 1940, chịu chức linh mục 1972, làm Bề trên đan viện Thiên An năm 1984, Bề trên Giám tỉnh năm 1993, trở thành Đan phụ 1998.
Các đan viện Biển Đức tại VN
- Đan viện Thiên An (Bình an của Chúa), giáo phận Huế
- Lịch sử:
+ Ngày 25-01-1935, Đan phụ Fulbert đã phái cha Wandrille Carrière sang Việt Nam thăm dò để thành lập đan viện. Ngày 12-10, cha Wandrille chọn sở đất Miévelle ở Đà Lạt và tháng 11-1935, Đan viện La Pierre Qui Vire (Pháp) quyết định mua sở đất 40 ha này với giá 15.000 tiền Đông dương để lập một đan viện…
+ Tháng 04-1938, Đan phụ Fulbert cử cha Dom Romain Guilauma sang Việt Nam để làm bề trên nhà ở Đà Lạt. Nhưng vì nơi đây hiếm ơn gọi, nên cha Romain quyết định về lập đan viện tại Huế. Còn cơ sở Đà Lạt sau này bán cho các nữ tu Franciscaines.
+ 10-06-1940 hai đan sĩ Đan viện La Pierre qui Vire, Pháp, là cha Romain Guillaume và cha Dom Corentin thành lập Đan viện Thiên An, Huế. Sau đó các đan sĩ Đan viện Thiên An tiếp tục thành lập thêm 3 Đan viện khác nữa: đan viện Thiên Hòa ở Ban Mê Thuột (1962), đan viện Thiên Bình ơ Đồng Nai (1970) và đan viện Thiên Phước ở Thủ Đức Sài Gòn(1972), tất cả đều thuộc Tỉnh dòng Pháp.
+ Năm 1993, đắc cử Bề trên Giám Tỉnh là cha Têphanô Huỳnh Quang Sanh, Bề trên Đan viện Thiên An, Bề trên Giám tỉnh năm 1993 và làm Đan phụ từ năm 1998 cho đến nay.
- Bổn mạng: Thánh Tâm Chúa Giesu 10/6
- Địa chỉ: Đan viện Thiên An, Thủy Bằng, Hương Thủy, TT Huế.
- Điện thoại: 054.865910.
- Email: thienanosb@gmail.com
- Đan viện Thiên Hoà, giáo phận Ban Mê Thuột.
Thành lập ngày 8-12-1962 tại huyện Krông Păk, Đăklăk, do các đan sĩ đan viện Thiên An.
- Bổn mạng: Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, 8-12.
- Nhân sự (2013): khấn trọng 6, khấn tạm 5, thỉnh sinh 8. Sau năm 1978, chính quyền địa phương thu hồi toàn bộ đất đai và cơ sở của đan viện, nên các đan sĩ tạm thời cư trú tại một họ lẻ của giáo phận Ban Mê Thuột. Năm 2000, chính quyền cấp đất lại và cho phép tái lập đan viện.
- Địa chỉ: Hộp thư 44 Krông Păk, Đăklăk.
- Bề trên: Đan sĩ Laurent Hoàng Thanh Trương.
- Đan viện Thiên Bình, giáo phận Xuân Lộc.
- Thành lập: ngày 11-6-1970.
VIDEO giới thiệu
- Bổn mạng: Lễ Chúa Kitô Vua.
- Nhân sự (2013): khấn trọng 14, khấn tạm 29, tập sinh 10, thỉnh sinh 14.
- Địa chỉ: Hộp thư 2, Thiên Bình, Tam Phước, Long Thành, Đồng Nai. Đt: 061 930470.
- Bề trên: Louis Marie Trương Sinh, sinh 25-12-1939, lm 25-1-2000.
- Đan viện Thiên Phước, giáo phận TP. HCM.
Đầu tháng 05 năm 1972, tình hình thời cuộc ngày càng sôi động với “mùa hè đỏ lửa” và việc “di tản chiến thuật” của quân đội miền Nam. Ngày 13-5-1972, Nhà Mẹ Thiên An và cha Đan Viện Trưởng là Tôma Châu Văn Đằng đã quyết định di chuyển các đan sĩ trẻ và các tập sinh vào Saigon do cha tập sư Marian Nguyễn Công Phương phụ trách. Điểm dừng chân đầu tiên là trụ sở liên lạc của nhà Thiên An tại số 163/9 Hùng Vương, Thị Nghè, Saigon.
- Những ngày đầu tiên
Cha Bêđa Ngô Minh Thúy lúc bấy giờ đang học ở Saigon cũng được chỉ định cộng tác với cha Marian để chuẩn bị nền móng ban đầu trên đất của ông Tòa Trí tặng (do bà Hồng Thị Cúc đứng tên) gần Cầu Trắng thuộc giáo xứ Tam Hải Thủ Đức, đặt cơ sở cho việc xây dựng Đan Viện Biển Đức Thiên Phước.
Ngày 05-02-1976, Cha Bêda Ngô Minh Thúy được chỉ định làm Bề Trên tiên khởi của Đan Viện Thiên Phước. Ngày 11-02-1976, Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chính thức chấp nhận Đan Viện Thiên Phước là Đan Viện giáo phận, thuộc Tổng Giáo Phận Saigon. Tháng 03-1987, Cộng Đoàn chính thức nhận Thánh Cả Giuse làm Bổn Mạng Đan Viện, mừng kính vào ngày 19-03 hằng năm.
Rồi niềm vui của Cộng Đoàn Thiên Phước càng được nhân lên, ngày 03-09-1988, Đan Viện được nâng lên hàng tự trị (sui juris), mặc dù Cộng Đoàn còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn.
- Phát triển hạ tầng cơ sở
Sau Nhà Nguyện, Đan Viện tiến hành việc xây dựng một Nhà Khách nhỏ đổi công năng thành phòng ở cho các đan sĩ lớn tuổi và tu sĩ khách của Đan Viện. Kế đó là một tòa nhà hai tầng gồm 38 phòng ở cho các đan sĩ đã khấn, có khu nhà vệ sinh, giặt giũ và tập thể dục trong nhà. Tiếp theo là một tòa nhà tương tự được cất song song với tòa nhà khấn, để làm chỗ ở cá nhân và tập thể cho những đối tượng chưa khấn là tập sinh, thỉnh sinh, tìm hiểu nội trú…
Bước thứ hai là khu nhà khách tĩnh tâm hiện đại, theo chức năng và truyền thống Biển Đức đón tiếp khách hành hương như đón tiếp chính Chúa Kitô và nhằm đáp ứng ba đối tượng về khách tĩnh tâm: ở trong ngày, ở qua đêm, ở nhiều ngày (như các nhóm tu sĩ tĩnh tâm trước khi tuyên khấn và các ứng viên linh mục trong giáo phận…). Nhiều tiện nghi được dành cho khách tĩnh tâm: Nhà Nguyện, phòng họp lớn, vừa hay nhỏ, căng tin 40 chỗ ngồi, phục vụ bếp riêng theo yêu cầu, khi có đông người, có thể sử dụng bếp và phòng ăn của Cộng Đoàn theo thỏa thuận trước.
Cuối cùng, kiến trúc mới đây là một tòa nhà ba tầng nối liền hai dãy “nhà tập” và “nhà khấn” nói trên, thành hình chữ U mang tên “thư viện”. Ngoài chức năng thư viện (một tầng), còn có công dụng tập trung các bộ phận phục vụ khác của Đan Viện như nhà hội, lớp học, phòng họp, phòng vi tính, phòng học đàn, nhà may, nhà sinh hoạt năng khiếu mỹ thuật, phòng y tế…
- Hiện trạng Đan Viện
Với nhịp độ đô thị hóa cấp tốc và qui mô của Thành Phố Saigon, đã phát sinh nhu cầu bồi dưỡng tâm linh ngày càng gia tăng của nhiều đối tượng cư dân muốn tìm nơi thinh lặng, cô tịch. Đan Viện sẵn sàng tiếp đón thân thiện, chân tình, vô vị lợi và không phân biệt, để họ cầu nguyện riêng tư hoặc tham gia cầu nguyện với Cộng Đoàn, hoặc với sự đồng hành tư vấn của các linh mục, tu sĩ của Đan Viện, để họ có điều kiện thuận lợi tìm lại sự an bình nội tâm của chính mình, hầu giải quyết những vấn đề tâm lý, tâm linh của họ.
Phần Cộng Đoàn Đan Viện, nhờ những sự tiếp xúc giao lưu thường xuyên như thế với nhiều giới bên ngoài nội vi Đan Viện mà nắm bắt được nhiều vấn đề thiêng liêng, tâm linh của xã hội, để trên cơ sở đó, có nhiều đề tài, mục tiêu, đối tượng cầu nguyện, van nài Thiên Chúa cho những cá nhân, cho đất nước, cho thế giới khổ đau, tuyệt vọng, mất phương hướng. Tất cả chỉ để “làm vinh danh Thiên Chúa trong mọi sự”, như tôn chỉ của Dòng chiêm niệm Biển Đức.
- Phát triển nhân sự
Ngày 08-12-1989, Đan Viện tiếp nhận 3 tập sinh đầu tiên, hiện nay chỉ còn một là Cha Michel Phạm Văn Khoa.
Ngày 11-07-1996 là lễ Thánh Tổ Phụ Biển Đức, Đan Viện tổ chức lễ Tạ Ơn và khánh thànhNguyện Đường mới, mở ra một giai đoạn phát triển của Cộng Đoàn.
Ngày càng có nhiều người trẻ đến tham dự chia sẻ và tìm hiểu ơn gọi, nhờ đó tình hình Đan Viện có nhiều tiến triển đáng kể. Đặc biệt giới trẻ của Cộng Đoàn dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ trên 70% tổng số nhân sự. Ngày 11-07-1997, Cộng Đoàn đã tổ chức lễ Ngân Khánh thành lập Đan Viện.
Sau bao ngày gieo trồng, ơn gọi đan tu của Cộng Đoàn Thiên Phước đã đâm hoa kết quả. Ngày 21-01-2000, Đan Viện có một linh mục trẻ đầu tiên là Cha Michel Phạm Văn khoa (37 tuổi). Ngày 22-12-2000, một linh mục trẻ thứ hai là Cha Phaolô Nguyễn Hữu Thanh (38 tuổi). Và ngày 18-10-2002, một linh mục trẻ thứ ba là Cha Gioankim-Maria Lê Văn Tấn (40 tuổi).
Tháng 03-2004, Cha Đan Viện Phụ Chủ Tịch Thierry Portevin sang Việt Nam thăm viếng Tỉnh Dòng Biển Đức Việt Nam lần thứ ba, đã chọn lựa và chỉ định một linh mục trẻ Đan Viện Thiên Phước là Cha Phaolô Nguyễn Hữu Thanh làm Bề Trên Cộng Đoàn Biển Đức Thiên Hòa, Ban Mê Thuột.
Tính đến ngày 15-08-2006, nhân số Cộng Đoàn Thiên Phước là 73 thành viên, trong đó khấn trọn đời 19 (linh mục 7), khấn tạm 28, tập sinh 14 và thỉnh sinh 12. Bề Trên là linh mục Bêđa Ngô Minh Thúy.
- Địa chỉ: 18 Đường số 7, Khu phố 2, Phường Tam Bình, Quận Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam
- Điện thoại: (84-8) 729 4971- 897 7512
- Email: thienphuocosb@vnn.vn
3. Linh đạo hay những đặc nét của Hội Dòng.
Gồm:
- Cử hành các giờ kinh Phụng Vụ
- Cầu nguyện cá nhân và đọc sách thiêng liêng (lectio divina)
- Lao động trí óc và chân tay
- Đón tiếp khách, đặc biệt khách tĩnh tâm
- Biệt thế và thinh lặng
- Đời sống cộng đoàn và nội vi
- Hoán cải không ngừng và khổ chế.
Mục đích
Làm tất cả mọi sự nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, qui hướng về Chúa Cha để “Thiên Chúa được vinh danh trong mọi sự” (“UT IN OMNIBUS GLORIFICETUR DEUS”).
Tinh Thần
Đó là phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Luôn sống trong sự hiện diện của Chúa để được vui sống bình an (PAX).
4. Châm ngôn của Dòng Biển Đức:
Cầu nguyện và lao động (Ora et labora).
5. Đặc sủng:
Chiêm niệm và cầu nguyện cho Giáo hội và thế giới.
Điều kiện tuyển chọn:
- Có sức khoẻ.
- Tốt nghiệp lớp 12 trở lên.
- Có tinh thần tìm kiếm Chúa trong thinh lặng, cầu nguyện và lao động, được thể hiện trong việc ham thích kinh Phụng vụ, ái mộ vâng phục, vui chịu thử thách.
6. Bổn mạng Hội Dòng:
Lễ thánh Biển Đức 11/7.
7. Địa chỉ trụ sở Trung ương:
Via, St. Ambrogio 3, 00186, Roma, Italy. Bề trên đương nhiệm: Cha Đan Phụ Chủ Tịch Bruno.
-------------------------------------------------------------------
NỮ ĐAN VIỆN BIỂN ĐỨC THỦ ĐỨC
Lược sử: Dòng nữ Biển Đức được thành lập ở Việt Nam từ năm 1954, tại Buôn Ma Thuột. Năm 1967, đan viện được dời về Thủ Đức, theo yêu cầu của Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Nhà Mẹ tại Vanves (Pháp) do Mẹ Waddington Delmas sáng lập năm 1921.
Bổn mạng:
11-7, Thánh Biển Đức, tổ phụ các dòng đan tu Biển Đức.
15-8: Lễ Đức Mẹ Mông Triệu, bổn mạng nữ đan viện Biển Đức tại Thủ Đức.
Châm ngôn: “Ora et Labora” (Cầu nguyện và Lao động) theo tinh thần của Thánh Phụ Biển Đức.
Hoạt động:
- May thêu áo lễ, tiếp đón khách tĩnh tâm: linh mục, nam nữ tu sĩ và các tôn giáo bạn.
- Làm Icones, chuỗi hạt, nến.
Nhân sự: Số tu sĩ toàn thế giới, cho đến năm 2003 là 160 người (tại Pháp có 5 chị người Việt). Số nữ tu ở Việt Nam: 32 người, khấn trọn 21, khấn tạm 11, tập sinh 11, thỉnh sinh 9, dự tu 9.
Điều kiện tuyển chọn: Tú tài hoặc tương đương, có một nghề càng tốt.
Địa chỉ Nhà Mẹ:
7, Rue d’Yssy 92170 Vanves,
France. Đt: 01 46 42 46 20.
Địa chỉ tại Việt Nam:
35/20 đường 11, KP.3, P. Linh Chiểu, Q. Thủ Đức, TP. HCM.
Đt: 08 8973933.
Email: benedictinestd@saigonnet.vn
Bề trên đương nhiệm: Mẹ. Agnès Lê Thị Tố Hương, sinh 21-1-1949, tái cử 6-11-2001.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét