Xuất phát từ Dòng Kín Lisieux
Đan Viện Cát-Minh Saigon là đan viện đầu tiên ở Việt-Nam và cũng là đan viện đầu tiên nơi các xứ truyền giáo, xuất phát từ nhà Kín Lisieux.
Năm 1861, từ dòng Kín Lisieux, miền Normandie nưóc Pháp, bốn nữ tu kín đã từ giã quê nhà, ra đi vì một chí hướng truyền giáo cao cả. Ngày 9-10-1861, bốn chị truyền giáo sống đời chiêm niệm đó đã đặt chân lên nước Việt Nam – một quê hương được mệnh danh là “đất của một trăm ngàn vị Tử Đạo”.
Chính Chúa Quan Phòng đã tiền định dòng Kín Lisieux trong sứ mệnh thành lập một đan viện tiên khởi của Xứ Truyền Giáo. Và 27 năm sau đó, bé gái Têrêsa Martin đã vào tu dòng Kín Lisieux và trở thành Chị Thánh Têrêsa. Chị mang một khát vọng được sang Sàigòn, ngay lúc còn ở Tập Viện. Sau nầy chị đã được đặt làm “Quan Thầy các xứ truyền giáo” đồng tước vị với Thánh Phanxicô Xavier thuộc dòng Tên.
Mẹ Philomène de l’Immaculée Conception và Đức Cha Lefèbre
Vào thời đó, một thỉnh sinh được chấp nhận vào Nhà Kín Lisieux: đó là chị “Philomène de l’Immaculée Conception” (Vô Nhiễm Nguyên Tội). Chị là em họ của “Đức Cha Lefèbre”, Giám Mục tại Miền Tây Nam Kỳ, tức miền Nam nước Việt ngày nay.
Ngày 27-8-1844, chị được lãnh Tu Phục, và cùng năm ấy, người anh họ của chị – Đức Cha Lefèbre – đã bị Triều Đình Huế bắt giam ngày 31-10-1844. Đến tháng tư năm 1845, nể lời yêu cầu của Bộ tư lệnh Hải Quân Pháp, Vua Thiệu Trị hạ chỉ phóng thích Đức Cha và trục xuất ngài sang Singapore.
Vào hạ tuần tháng năm 1846, Đức Cha bí mật trở lại Việt Nam, trên một chiếc thương thuyền chở xi măng, nhưng vừa cập bến Sàigòn, nhân viên Thương Chính đã bắt được, và sau đó Ngài lại bị giải về Huế.
Chính nơi lao xá ở đây, đang lúc cổ mang gông, tay mang xiềng, chờ ngày ra lãnh án bá đao, bỗng một hôm, Đức Cha thấy Thánh Têrêsa Avila hiện đến “trong một thị kiến”. Mẹ Thánh Têrêsa Avila đã thỉnh cầu Đức Cha Lefèbre với những lời lẽ như sau: “Hãy thành lập Dòng Kín trên nước ‘An-Nam’, vì nhờ đó Thiên Chúa sẽ được phụng sự và tôn kính không ít.”
Cũng chính nơi đề lao này, Đức Cha nhận được một lá thư của nữ tu Philomène, cho biết chị được Khấn Dòng trong tháng hai vừa qua (1846). Phải chăng lời thỉnh cầu thành lập dòng Kín tại Việt-Nam đã gián tiếp nói cho vị truyền giáo biết cuộc đời của Ngài chưa chấm dứt tại nơi lao xá này?
Một lần nữa Đức Cha Lefèbre được vua Thiệu Trị phóng thích và trục xuất sang Singapore như lần trước. Vẫn ý chí cương quyết như cũ, năm 1847, ngài đã thành công trở về sống giữa đoàn chiên, nhưng phải lẩn trốn, nay làng này, mai làng khác. Vua Tự Đức kế ngôi Vua Thiệu Trị, lúc đầu tỏ ra khoan hồng với đạo Công Giáo mà thời bấy giờ gọi là “Tả Đạo”, nhưng sau đó ít lâu, nhà Vua hạ chỉ bách hại và truy nã Kitô hữu rất gắt gao.
Ý muốn xây dựng nhà Kín Saigon
Mãi đến năm 1849, Đức Cha mới phúc đáp lá thư của nữ tu Philomène. Ngài tỏ bày ao ước thành lập dòng Kín tại Việt-Nam. Ngài nhắc lại lời nói về Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu: Nhờ nước mắt và lời cầu nguyện, Thánh Nữ đã cứu rỗi các linh hồn cũng bằng vị Tông Đồ Cả của xứ Ấn Độ, qua lời giảng dạy và các phép lạ...
Vừa nhận được thư của Đức Cha, Mẹ Bề Trên dòng Kín Lisieux lúc bấy giờ là Mẹ Geneviève, cũng là vị sáng lập dòng này, với một đức tin dũng mãnh và một lòng truyền giáo bao la, Mẹ bảo chị Philomène trả lời ngay cho Đức Cha là Mẹ rất hân hạnh đáp lại lời yêu cầu của Đức Cha.
Tuy nhiên mãi đến năm 1861, dư định trên mới thực hiện được, mặc dầu tình hình cấm đạo lúc đó vẫn chưa yên, ngược lại, càng ngày càng thêm sôi nỗi, đầy cực hình. Chính Đức Cha đã ghi lại vào khoảng tháng 5-1859 rằng: “Tôi chưa bao giờ thấy, chỉ trong vòng một năm mà số người tuyên xưng Đức Tin và chịu tuẫn giáo quá nhiều như năm nay. Họ phải chịu trăm ngàn đau khổ, dưới gông cùm, trăng trói…”
Cũng chính năm 1861 – năm thành lập dòng Kín Sàigòn – Nhà Vua hạ lệnh phân sáp tất cả các gia đình Công Giáo. Cần đọc qua những trang sử oai hùng của các Đấng Tử Đạo Việt Nam trong thời hậu bán thế kỷ XIX, ta mới có thể hiểu được hai vị lập dòng Kín Saigon – Đức Cha Lefèbre và Mẹ Philomène – là những tâm hồn anh dũng, sắt đá, trung kiên, với niềm Tin mãnh liệt và chí hướng truyền giáo đến mức độ nào.
Đặt chân lên đất Saigon (1861)
Sau 90 ngày lênh đênh trên mặt đại dương, bốn nữ tu dòng Kín sung sướng nhìn thấy thành phố Sàigòn, thủ đô miền Nam nước Việt sau nầy. Thật ra lúc bấy giờ Sàigòn không hẳn là một thành phố, mà chỉ là một đô thị gồm 40 làng nhỏ ở kế cận nhau.
Ngoài thành của Vua Minh Mạng ra, Sàigòn không có một dinh thự nào, cũng không một nhà nào được xây cất bằng gạch! Nhưng thành Vua Minh Mạng đã bị phá hủy từ hai năm trước.
Mẹ Philomène viết: "Ngày 9-10-1861, chúng tôi đặt chân lên đất An-nam, đất đã thấm nhuần máu của bao vị Tử Đạo; từ đây đất này sẽ trở nên Quê Hương yêu quý của chúng tôi". Đồng hành với 4 nữ tu Kín có 10 nữ tu dòng Thánh Phaolô. Vì thế, tàu vừa cập bến, các nữ tu được các Cha Thừa Sai và Mẹ Benjamine – bề trên các nữ tu dòng Thánh Phaolô – ra tận bến tàu đón tiếp và đưa về Tòa Giám Mục. Khó tả được niềm vui của Đức Cha khi giáp mặt bốn nữ tu Kín. Ngài nói: "Các con quý mến, Cha đã chờ các con từ bao năm qua!...".
Những ngày đầu tiên
Mẹ Philomène ghi lại như sau: "Đức Cha đích thân đưa chúng tôi đến căn nhà Ngài đã dọn sẵn cho chúng tôi (hiện nay là phía chợ Cũ). Căn nhà rộng rãi, có một lối đi chính giữa chia làm hai gian, phân nửa dành cho các nữ tu dòng Thánh Phaolô, còn chúng tôi chiếm phân nửa còn lại". Về sau, khi nói về căn nhà này, nữ tu Thánh Xavier (một trong bốn nữ tu Kín) viết: "Đó là một trong những nhà tốt nhất xứ này, nhưng xây cất trên khoảnh đất quá lầy lội.” Và Mẹ Philomène thì viết: "Một căn nhà bất tiện cho chúng tôi mọi bề.”
Tuy nhiên, vừa đến nơi, cả bốn nữ tu Kín liền tra tay thu xếp, lấy vải bố ngăn ra làm Nhà Nguyện, phòng khách, phòng cơm, nhà bếp, phòng riêng v.v. ... duy có "bàn xoay" là phức tạp vì mấy người thợ mộc chưa hề thấy, chưa hề nghe và cũng không sao giải thích cho họ hiểu được! Ngôi nhà nhỏ đã tạm chỉnh đốn xong. Ngày 15-10-1861 Lễ Thánh Têrêxa, Đức Cha Lefèbre thân hành đến dâng Thánh Lễ và ban phép cho các nữ tu Kín được giữ Mình Thánh Chúa luôn trong nhà Nguyện. Đây là lần đầu tiên nước Việt-Nam được đặc ân này.
Từ nay, dưới sự Hiện Diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, cuộc đời chiêm niệm với niềm vui bất tận, lòng tín thác hoàn toàn vào Chúa cùng với chí hướng tận hiến vì vinh danh Chúa, vì phần rỗi tha nhân, bắt đầu triển nở nơi đan viện bé nhỏ này, trên quê hương Việt Nam thân yêu này.
Những thử thách đầu tiên
Đường khổ giá vẫn luôn luôn là bước đường của những ai thành tâm phụng sự Chúa. Chúa Giêsu đã chẳng phán: "Ai muốn theo Tôi, thì phải bỏ mình, vác khổ giá mình và theo Tôi!" Tuy nhiên, khi đọc lại những thử thách, những đau khổ của Mẹ Philomène và các nữ tu đầu tiên phải chịu, người ta phải thành thật công nhận, đó là những vị anh hùng.
Quý danh bốn nhà truyền giáo sống đời chiêm niệm đó là:
- Mẹ Philomène de L'Immaculée Conception
- Nữ tu Marie Baptiste (Phó bề trên)
- Nữ tu Emmanuel
- Nữ tu Saint Xavier
Mặc dầu Đức Cha Lefèbre tìm mọi phương cách để thành lập dòng Kín trên nước Việt Nam, nhưng ngoài Đức Cha ra, hàng giáo sĩ lúc bấy giờ không mấy ai tán đồng dự định ấy! Tuy không dám phản đối Đức Cha, nhưng các ngài cho rằng đó là một việc thiếu khôn ngoan: trong giai đoạn này, nên thành lập những tu hội hoạt động thì hữu ích hơn. Trên bình diện tự nhiên, các ngài rất hữu lý, vì các sử liệu đã minh chứng những gì các ngài tiên đoán.
Căn nhà Đức Cha đã cất cho, không thể tái thiết thành Đan Viện được. Vì vậy, nhờ một đại tá người Tây-Ban-Nha giới thiệu, nhà cầm quyền hứa nhường cho Mẹ Philomène một khu đất rộng, địa thế rất tốt, nằm trên đường đến thành Vua Minh Mạng, thời ấy người Pháp gọi là "Boulevard de la Citadelle", tức "Đại lộ Cường Để" ngày nay.
Nhưng khổ nỗi trên khu đất này không có nhà cửa gì hết. Tất cả đều phải xây cất, mà gia tài của các nữ tu chỉ vỏn vẹn 1800 quan. Phần Đức Cha, ngài không hề dự tính những phí tổn cần phải có để kiến thiết, thành lập một đan viện theo Quy Luật dòng Kín...
Thêm vào đó, một cơn thử thách tinh thần rất trầm trọng: vì không hợp khí hậu và vì đời sống quá kham khổ, sau ba tháng chịu đựng, nữ tu Emmanuel đã ngã bệnh, bác sĩ khuyên chị nên trở về Pháp, và nữ tu Marie Baptiste quá chán nản trước những thử thách cả tinh thần lẫn vật chất.
Và một trong những khó khăn đó là vấn đề ngôn ngữ bất đồng! Thời đó chưa có cuốn tự điển hoặc giáo sư để trau dồi học hỏi tiếng Việt, nhưng các thỉnh sinh đến xin nhập tu mỗi ngày mỗi thêm đông. Phần nhiều các chị là con cháu của những Đấng Tử Đạo, cũng có chị đã tuyên xưng Đức Tin và từng mang gông cùm vì Danh Chúa. Các chị rất can đảm, rất nhiệt thành, nhưng các chị không được huấn luyện và học vấn đầy đủ, nhất là thụ huấn nền văn hoá Tây phương.
Tuy nhiên, tinh thần cầu nguyện, bầu khí trầm lặng, nếp sống khắc khổ của dòng Cát-Minh rất thích hợp với các chị. Hơn nữa, nhờ ơn Chúa, nhờ lòng nhân hậu và sự kiên nhẫn của các Mẹ, các tập sinh Việt-Nam đầu tiên đã thành công trên con đường dấn thấn trong đời sống chiêm niệm, cuộc đời truyền giáo trong thinh lặng và hy sinh.
Kiến thiết Đan Viện
Để có đủ tài chính trong công cuộc kiến thiết và trùng tu đan viện, Mẹ Philomène phải thức thâu đêm viết thư xin toàn thể gia đình Cát-Minh tại Pháp trợ giúp. Trong dịp này, tinh thần đoàn kết hỗ tương của đại gia đình dòng Kín cũng như lòng nhiệt thành truyền giáo của các nữ tu Kín được chứng quả bằng việc làm cụ thể. Các dòng đã tỏ ra rất quãng đại đáp lời Mẹ Philomène.
Phần Đức Cha Lefèbre, ngài ủy thác việc xây cất này cho một cha thừa sai: cha Pierre ROY.Cha này trước kia hoạt động ở miền đông Nam Việt, sau bị trục xuất sang Singapore. Tại đây cha có dịp gặp hai nữ tu Kín hồi hương trong tháng giêng vừa qua. Cuộc gặp gỡ đó gây cho cha một ấn tượng không mấy tốt đẹp về việc thành lập Dòng Kín Saigòn. Nhưng Ý Chúa nào ai hiểu thấu.
Ngay buổi chiều cặp bến Saigon, tháng hai 1862, cha được giao cho trọng trách mà từ trước cha vẫn đố kỵ. Và sáng hôm sau, cha đến dâng Thánh Lễ tại Dòng Kín. Dưới đây là câu chuyện giữa mẹ Philomène và cha ROY trong buổi sáng lịch sử đó:
Sau Thánh Lễ, đợi cha cám ơn xong, mẹ Philomène mời cha qua phòng khách. Phần mẹ không khỏi lo sợ vì biết cha này không tán đồng công việc lập Dòng của mình. Câu chuyện bắt đầu rất lạnh nhạt. Cha vô đề bằng câu khuyên mẹ Philomène nên trở về Pháp là hơn. Mẹ Philomène trả lời:
- Thưa Cha, các Bề Trên của con gửi con đến đây để thành lập một Đan Viện theo Quy Luật Dòng Thánh chúng con; con sẽ tận dụng hết mọi khả năng để đạt tới thành công, và con chỉ có thể chịu khuất phục khi không còn một tia hy vọng nào nữa.
- Nhưng Mẹ có chắc rằng ở đây Mẹ sẽ giữ trọn lời Khấn như ở Pháp không?
- Thưa Cha, con thấy không có chi trở ngại cả. Khắp nơi đều có thể Vâng Phục, đều có thể giữ Trinh Khiết, còn về lời Khấn Khó Nghèo, con thiết tưởng không nơi nào trên thế gian này có thể giúp chúng con thực thi Đức Khó Nghèo bằng ở đây, vì ở đây tất cả đều thiếu thốn, cả tinh thần lẫn vật chất...
Câu nói chân thành cảm động này có năng lực biến đổi thành kiến và cảm hóa được vị linh mục thừa sai. Cha ROY dịu giọng đáp: “Nầy Mẹ, vậy Mẹ cứ ở lại đây, tôi sẽ tận lực cộng tác với Mẹ trong công việc kiến thiết Đan Viện của Mẹ. Mẹ hãy tín nhiệm nơi tôi.” Mẹ Philomène hết sức ngạc nhiên và cảm động trước sự thay đổi bất ngờ của cha. Từ ngày đó, cha khởi công tra tay vào việc. Cha vừa là kiến trúc sư, vừa kiêm chức thợ hồ, vừa chỉ huy đoàn thợ trong từng chi tiết. Chỉ trong vòng ba tháng, tường thành Nội-Vi và mấy dãy nhà nhỏ xứng hợp cho một nữ đan viện đã thành hình.
Ngày Lễ Thánh Tâm năm 1862, Đức Cha Lefèbre hân hoan đến dâng Thánh Lễ khánh thành Đan Viện mới, đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse. Ai có thể tả được tâm tình của mẹ Philomène trong ngày hồng ân ấy như thế nào? Tiếng nói người phàm tốt hơn nên thinh lặng, nhường cho tiếng lòng tri ân sâu thẳm của Mẹ Philomène nói lên trong thầm lặng trước Thánh Nhan Chúa, chẳng những ngày hôm đó, mà suốt đời Mẹ và qua Mẹ, lòng tri ân luôn luôn sống động trong lòng con cái của Mẹ qua các thế hệ.
Quả thật, trên đường phục vụ Chúa, cùng với những đau khổ thử thách tất nhiên không sao tránh khỏi. Thiên Chúa là Người Cha nhân lành luôn tỏ ra ưu ái, nâng đỡ tất cả những người thành tâm thiện chí.
Tóm tắt, người ta có thể ghi lại nơi đây lời nói bất hủ của Mẹ Philomène: "Có lẽ sau này các con sẽ không bao giờ gặp phải những thử thách mà Mẹ đã trải qua. Mẹ chưa thuật lại được một phần mười, nhưng Mẹ mau mau thêm rằng: tâm hồn Mẹ luôn bình an, thứ Bình An thâm sâu trong Chúa ".
Lời yêu cầu của Mẹ Thánh Têrêsa Avila: "Hãy thành lập dòng Kín trên nước ‘An- nam’" đã được thực hiện từ trên thế kỷ nay, còn lời hứa hẹn tiếp theo của Người: "...Nhờ đó Thiên Chúa sẽ được phụng sự và tôn vinh không ít" thì sao? ... Phụng sự Chúa và làm cho Chúa được tôn vinh chắc hẳn phải là tiêu chuẩn của đời sống những nữ tu dòng Kín – những người con của Thánh Nữ Tiến Sĩ Têrêxa Avila. Nguyện xin Mẹ Thánh giúp họ trung thành với lý tưởng Dòng Cát-Minh để nguyện vọng của Mẹ được thành tựu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét