Cuộc sống thường nhật
Trời chưa sáng. Sự thinh lặng của đêm trường còn bao trùm mặt đất, nhưng rồi sẽ tỉnh giấc để lao vào những công việc hằng ngày. Đó đây, ánh sáng đã bắt đầu chiếu qua các khung cửa sổ. Từ xa xa vang lên một “hồi chuông”...Đó là tiếng chuông của Đan Viện Cát-Minh. Mỗi ngày, đúng vào giờ đó, có lẽ đã từ hằng bao thế kỷ, hồi chuông kêu gọi các thầy – hoặc các chị - đến với công việc hàng đầu của con người là cầu nguyện: “Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô và Đức Trinh Nữ Mẹ Ngài, mời anh em đến cầu nguyện ngợi khen Chúa...!” Đó cũng là khởi đầu một ngày mới trong Đan Viện Cát-Minh.
Về nếp sống hằng ngày của các đan sĩ Cát-Minh – nam cũng như nữ - đôi khi người ta có những ý nghĩ kỳ lạ, và thường hơn, người ta chẳng có chút ý nghĩ gì! “Họ làm gì trong đó?...”
Rồi khi đến gần họ, người ta ngạc nhiên thấy mình đang ở giữa những con người cũng như mình, không tốt hơn cũng không xấu hơn những người khác, cũng ăn cũng uống, cũng ngủ nghỉ, làm việc, cũng đau khổ và cười vui, như mọi người khác. Họ cũng giống như bao người bên cạnh, cũng quét nhà, tưới rau, đi bác sĩ nha sĩ, cũng đọc báo, đóng thuế...
Như tất cả mọi người, đúng vậy! Nhưng cũng khác biết bao! Bởi vì nơi họ, nếu mọi sự đều giống mọi người đi nữa, thì mọi sự lại diễn ra cách khác: từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, Thiên Chúa ở đó, thật gần gũi, Ngài được nhận ra trong niềm tin tinh tuyền, một cách vô hình nhưng lại là bạn đồng hành chí thiết, không hề rời xa.
Thiên Chúa được họ ngắm nhìn, yêu mến, phục vụ. Thiên Chúa hằng được tưởng nhớ tới luôn. Mọi sự vật được tỏa chiếu một ánh sáng mới: đó là “Thiên Chúa”! Bạn hãy thay đổi cách nhìn của bạn, rồi cả thế giới chung quanh bạn sẽ đổi thay theo...
Những giòng chữ này cố gắng trình bày cho bạn về dòng Cát-Minh. Lần dở từng trang, bạn sẽ có thể khám phá ra tâm hồn Cát-Minh. Hẳn đó là điều chính yếu. Nhưng không phải chỉ có thế thôi.
Dòng Cát-Minh cũng còn là một dòng nhập thế. Dù đôi mắt có bị Thiên Chúa thu hút đến đâu, dù cuộc leo núi có đòi buộc phải lột bỏ hết mọi thứ, chính trong chiều sâu của cái thường nhật mà những khát vọng của mình được sống, và chính ở đó, trên mảnh đất cuộc sống, vận mệnh của họ được thực hiện.
Vậy thì ở trong Đan Viện Cát-Minh người ta sống cái thường nhật đó như thế nào?
Điểm dị biệt đối với nam đan sĩ Cát-Minh
Trước tiên, chúng ta hãy loại bỏ cái ý tưởng có thể xảy đến trong đầu óc là có một sự khác biệt căn bản giữa các nam tu và các nữ tu Cát-Minh: các nữ tu thì “sống kín”, còn các nam tu thì không. Thỉnh thoảng người ta gặp được các nam tu trên các nẻo đường, với sứ vụ rao giảng Tin Mừng, còn các nữ tu thì chẳng bao giờ.
Sự thật quả đúng như vậy, nhưng bạn hãy bình tâm: cả nam lẫn nữ đan sĩ Cát-Minh, không ai có chút ý tưởng than thân trách phận về điểm nầy hết. Các nam tu đã lựa chọn. Đối với họ, điểm khác biệt quá lắm cũng chỉ liên quan đến mô hình của môi trường. Thế nhưng điều chính yếu, họ “hoàn toàn ở trên cùng một làn sóng”.
Điều chính yếu đó là họ đã được trao ban trong đoàn sủng ban đầu của nếp sống tu trì nầy và chính đoàn sủng đó chi phối toàn bộ chương trình cuộc sống của họ. Quy Luật Cát-Minh đầu tiên ra đời năm 1209. Theo đó, các nam tu sĩ Cát-Minh đầu tiên đã tự xác định mình như là “những tu huynh ẩn sĩ của Mẹ Maria trên Núi Cát-Minh”.
Nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là những ẩn sĩ sống thành cộng đoàn trong ngôi nhà của Đức Trinh Nữ Maria. Đó là điểm chính yếu đủ để quy định cả một cung cách sống ngay giữa cái thường nhật. Điều mà Thánh Têrêxa Avila ngày kia đã gọi là “nuestro modo de proceder” (cách sống của chúng ta).
Ẩn sĩ
Có một sự đánh giá cao đối với cuộc sống thinh lặng và cô tịch. Ở thế kỷ 13, đan sĩ Cát-Minh thường sống trong hang động của mình, “ngày đêm suy gẫm luật Chúa ngoại trừ khi bận công việc khác cách chính đáng", và đàng khác, công việc bận rộn đó cũng phải được thực thi trong thinh lặng trong mức độ có thể được.
Như vậy, bầu khí bình thường của một ngày trong đan viện Cát-Minh là sự thinh lặng. Một sự thinh lặng tốt đẹp mang lại nhiều bình an cho tâm hồn. Bạn không thể tưởng tượng được một câu chuyện nói lớn tiếng trong hành lang Đan Viện Cát-Minh là điều lạc điệu và mất lịch sự đến mức nào!
Những thúc bách của cuộc sống thời nay và ngay cả chính sứ vụ nữa, đôi khi bắt buộc phải phá vỡ sự thinh lặng tốt đẹp ấy. Thế nhưng sẽ hoàn toàn sai lầm nếu có ai nghĩ rằng sự phá vỡ ấy được tiếp nhận như một dịp xả hơi. Ngược hẳn lại... lúc ấy phải có cả một nghệ thuật để, xuyên qua những dấn thân ồn ào nhất, vẫn giữ được lòng mình cho Thiên Chúa, như một việc cầu nguyện được tiếp nối, một tình thân thiết không gì có thể làm tan vỡ.
Qui Luật Đan Viện Cát-Minh qui định: “Sức mạnh của bạn ở trong thinh lặng và hy vọng”.
Nếp sống cộng đoàn: huynh đệ tỉ muội
Cuộc sống trôi qua trong cùng một ngôi nhà. Vào những giờ nhất định, họ cùng nhau quy tụ cử hành phụng vụ trong cùng một nhà nguyện. Các bữa ăn tập họp trong cùng một phòng ăn. Khi nhóm tu nghị hoặc chia sẻ định kỳ, họ hội họp thảo luận cùng một dự tính.
Những buổi giải trí giúp họ tạo niềm hiệp thông trong thư giãn, với những trao đổi, trò chơi, đi dạo. Các chị nữ tu nhiệt tình tham dự những buổi giải trí đó không quên mang theo giỏ đồ khâu của họ. Còn các nam tu sĩ lại thích nói chuyện thao thao bất tuyệt, trong khi vẫn cúi xuống trên các giõ mang theo để nhặt rau gọt khoai.
Nếp sống cô tịch và cộng đoàn, hai thực thể có vẻ loại trừ nhau. Thế nhưng ngược lại chúng giúp giữ một thế cân bằng tốt đẹp cho cuộc sống. Thinh lặng và cô tịch giúp luôn nghĩ tưởng đến Thiên Chúa, tránh được cảnh lúc nào cũng loay hoay, bận rộn, tránh được những câu chuyện dài dòng vô ích, và như thế, tránh khỏi việc phung phí thời giờ và năng lực tâm linh.
Còn đời sống cộng đoàn lại là phương thuốc tốt nhất chống lại nguy cơ sống khép kín, tự quy chiếu về mình cách ích kỷ. Đó cũng là phương thế để thường xuyên kiểm tra tính trung thực của sự tự hiến và phẩm chất của tình bác ái huynh đệ.
Vai trò Đức Trinh Nữ Maria
Đức Mẹ Maria là “Nữ Vương Tuyệt Tác” của Đan Viện Cát-Minh. Ngay từ đầu, các tu sĩ Cát-Minh đã nhìn thấy nơi Mẹ Maria là người Mẹ, người Chị, người Bạn và là Mẫu Mực. Đức Mẹ Maria trầm lặng, “suy niệm mọi sự trong lòng”. Đức Mẹ Maria, Mẹ của Sự Sống, đang lặng lẽ ban Chúa Giêsu cho thế giới. Ở nơi phòng tiệc ly, Đức Mẹ Maria đã hiệp thông với các tông đồ đầu tiên. Phải, Đan Viện Cát-Minh quả là một “dòng thuộc Mẹ Maria”.
Mấy nét trên đây đã vắn tắt giúp bạn thoáng thấy bầu không khí một ngày trong Đan Viện Cát-Minh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét