LỜI NHẬN XÉT
của Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Nội dung cuốn sách “LINH MỤC GIÁO PHẬN NHƯ LÒNG MONG ƯỚC” được viết rất công phu, đề cập đến mọi vấn đề của linh mục giáo phận, được trình bày rất mạch lạc và nhất là đã được viết bởi một linh mục có nhiều thao thức và hiểu biết về đời sống và sứ vụ của linh mục triều... cho nên rất đáng giới thiệu để nhiều người được hưởng nhờ ơn ích.
TGM. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
LỜI GIỚI THIỆU
của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt
Nguyên Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội
Không còn nghi ngờ gì nữa, Linh mục đóng một vai trò quan trọng, nếu không nói là thiết yếu, trong đời sống của Giáo hội, đặc biệt trong việc loan báo Tin mừng. Vì thế việc đào tạo Linh mục luôn là mối ưu tư hàng đầu của Giáo hội. Để nói lên mối ưu tư đó, người ta thường ví von: “Chủng viện là con ngươi của Đức Giám mục”. Tuy quan trọng, nhưng là một vấn đề nhiêu khê, nên sách vở viết về việc này tương đối hiếm hoi.
Vì thế tôi thật vui mừng nhận được quyển Linh mục giáo phận như lòng mong ước của cha Micae-Phaolô Trần minh Huy, pss. Đọc quyển sách tôi có ngay ba ấn tượng tốt đẹp.
Ấn tượng thứ nhất về tác giả. Cha Micae-Phaolô là một nhà đào tạo tâm huyết thuộc hội các Linh mục Xuân bích, là hội chuyên lo về đào tạo. Chuyên môn của ngài đáng tin cậy sau bốn mươi năm kinh nghiệm trong chức vụ linh mục. Kinh nghiệm đó càng thêm phong phú đa dạng vì đã kinh qua nhiều môi trường địa lý khác biệt, từ Huế đến Hà nội, từ Bùi chu đến Thái bình.
Ấn tượng thứ hai về công trình nghiên cứu. Phải nói đây là một tác phẩm nghiêm túc vừa đúc kết những kinh nghiệm thực tế của một nhà đào tạo chuyên nghiệp, vừa tham khảo đối chiếu những tài liệu chính thức của Giáo hội, đặc biệt dựa trên nền tảng Thánh Kinh.
Ấn tượng thứ ba về tấm lòng của nhà đào tạo. Nội dung thật phong phú đề cập đến mọi góc cạnh có thể có trong đời một linh mục. Nhà đào tạo như muốn đồng hành với các linh mục trong mọi cảnh huống từ khi còn trong chủng viện cho đến khi mãn trường, từ khi còn hăng say đến khi gặp khó khăn, từ khi sống đến khi qua đời, để có thể giúp linh mục điều chỉnh các mối tương quan với Chúa, với bề trên, với anh em, với gia đình, với xã hội, với giáo dân, với chính quyền, với tôn giáo bạn, và nhất là giúp linh mục vượt qua các cơn khủng hoảng không thể tránh khỏi. Có thể nói quyển sách là một người bạn thân thiết muốn ở bên cạnh để phục vụ các linh mục trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó quả là một tâm nguyện chân thành.
Tôi trân trọng giới thiệu quyển “Linh mục Giáo phận như lòng mong ước” với niềm tin tưởng quyển sách sẽ mau chóng trở thành bạn tốt của các linh mục.
Châu sơn ngày lễ Đức Mẹ Guadalupe 2012
TGM Giuse Ngô quang Kiệt
Nguyên Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội
LỜI GIỚI THIỆU
của Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương
Giám Mục Giáo Phận Đàlạt
Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh HĐGMVN
Linh mục MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY, PSS, thuộc Hội Linh mục Xuân Bích (PSS:Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice), muốn tôi giới thiệu cuốn “LINH MỤC GIÁO PHẬN NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.”
Tuy được gọi là “bản thảo” vì chính tác giả cho biết là “chưa xong, chưa đầy đủ, chưa tốt, cần phải được liên tục sửa chữa, hiệu đính, cập nhật cái mới, bỏ đi cái cũ hay không còn thích hợp” (Lời Nói Đầu, trang 7), nhưng nội dung chất chứa trong 450 trang cho thấy tác giả đã trình bày khá chi tiết về “Những yếu tố để linh mục giáo phận trở nên mục tử tốt như lòng mong ước”(Chương Một), “Linh mục giáo phận nên thánh qua các mối tương quan mục vụ” (Chương Hai),“Linh mục giáo phận vượt lên khủng hoảng và tái định hướng đời sống và sứ vụ ơn gọi”(Chương Ba). Trong mỗi chương, ngoài phần trình bày Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội như ánh sáng soi đường chỉ lối, tác giả trình bày khá cụ thể “những gì nên cư xử, nói và làm; những gì không nên cư xử, nói và làm.”
Có thể khẳng định rằng cuốn sách này nói lên những điều tâm huyết của tác giả “sau nhiều năm chia sẻ với các ứng sinh linh mục, tu sĩ thuộc nhiều giai đoạn đào tạo và tự đào tạo, và từ những gì đã học hiểu và trải nghiệm bản thân” (Lời Nói Đầu, trang 3).
Cuốn sách này chẳng những hữu ích cho các ứng sinh linh mục, mà còn hữu ích cho mọi thành phần dân Chúa, trong đó có giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, mà tất cả đều cần tự kiểm trong việc tự đào tạo mình và trong trách nhiệm đào tạo người khác, nhất là đào tạo linh mục mà Giáo hội gọi là “đào tạo trường kỳ.”
Tôi xin hân hạnh giới thiệu tác phẩm “LINH MỤC GIÁO PHẬN NHƯ LÒNG MONG ƯỚC”, với tâm tình nguyện xin Chúa Giêsu Kitô, Linh mục Thượng phẩm và Duy nhất, ban nhiều ơn lành cho tất cả mọi tín hữu được tham dự vào chức vụ linh mục cộng đồng (giáo dân) và những tín hữu được tham dự vào chức vụ linh mục thừa tác (giáo sĩ), đặc biệt cho Linh mục tác giả và quý độc giả.
Đà Lạt, ngày 25 tháng 12 năm 2012
Antôn Vũ Huy Chương
Giám mục Đà Lạt
Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh HĐGMVN
LỜI NÓI ĐẦU
[…]
Tôi thiết nghĩ tài liệu này cũng hữu ích cho cả cộng đồng Dân Chúa, không những cho các linh mục trong lãnh vực thường huấn và cuộc sống sứ vụ [có nắm vững mô hình và các đặc trưng của linh đạo linh mục giáo phận, linh mục mới có thể tự kiểm sẵn sàng để được đào tạo và tự đào tạo nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô], mà cả cho các tu sĩ và giáo dân nam nữ nữa, vì có thấu hiểu bản chất, căn tính và sứ vụ linh mục như thế nào mới cảm thông nâng đỡ linh mục cũng như đòi hỏi, sửa sai uốn nắn linh mục nên mục tử đích thực như lòng Chúa và Giáo Hội mong ước.[1] Chính Công Đồng Vaticanô II mời gọi giáo dân nhận biết bổn phận đối với linh mục của mình, và bằng chia sẻ ân cần, tinh thần lẫn vật chất, kính trọng và dè dặt gìn giữ, bảo vệ, giúp đỡ, cầu nguyện, thương yêu và tận tâm cộng tác, ngõ hầu linh mục vượt qua được những khó khăn, giới hạn và yếu đuối nhân loại của mình mà chu toàn sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và điều khiển Dân Chúa cách hiệu quả.[2]
[…]
Thái Bình, Lễ Mẹ Dâng Mình 2012
Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét