"Con không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gửi cho họ Thánh Giá sao?"

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Sao anh em lại ngủ?


Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, Người liền nói với các ông: "Sao anh em lại ngủ ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22,45-46)

Đạo Chúa ở ngoài Bắc mang màu sắc lễ hội. Chầu lượt là ngày lễ lớn nhất trong năm của một xứ đạo. Tín hữu ở các xứ lân cận cũng kéo nhau về mừng lễ, có khi họ đến trước hai ba ngày, nhất là các chàng trai cô gái vì cưới vợ lấy chồng mà phải qua xứ khác. Thường thì lễ lạc khởi động vào thứ năm rồi lai rai đến Chúa nhật. Đêm thứ bảy kiệu Mình Thánh Chúa đi quanh làng. Trong năm còn nhiều ngày lễ nữa, rất dễ dàng biến thành "hội" như lễ quan thầy giáo xứ, thứ năm thứ sáu tuần thánh, Lễ Giáng Sinh ... Đã làm nhà thờ là phải có đường kiệu. Kiệu thì phải có trống trắc. Xứ nào khá giả thì có kèn tây. Người ta kháo nhau xứ này làm đẹp làm to hơn xứ nọ. Tôi thấy có người cho như thế là bề ngoài. Lúc đầu tôi cũng nghĩ như vậy thật, nhưng sau này, khi đã nhiễm cái bầu khí đánh trống thổi kèn tôi lại thấy hay. Ừ thì ta cứ lợi dụng cái bên ngoài rầm rộ để dẫn vào chiều sâu đạo giáo. Giáo dân ta đại đa số là dân nghèo bình dị, cần tình cảm. Họ đâu có phải là trí thức triết gia chỉ trông thấy cái vô hình trừu tượng. Họ không sống trên mây trên gió. Họ là những người đi chân không trên mặt đất này, được giáo dục bằng lòng tốt nhiều hơn là lời nói, bằng thái độ cư xử dễ thương hơn là lý luận tinh vi.


Sáng sớm tinh mơ, chuông đánh là cả xứ đạo đã ồn ào cả lên rồi. Cha mẹ ông bà thúc con cái dậy đi lễ, không có lễ thì đọc kinh. Ngày nào cũng ba giờ kinh sáng trưa tối. Con nít vào nhà thờ chỉ gật lên gật xuống cũng phải đi. Tất cả đã thành nếp, nhất là trong các họ đạo nhà quê sống tương đối khép kín với bên ngoài. Việc học giáo lý rầm rộ vào mùa hè, có thi cấp xứ, cấp hạt, cấp giáo phận. Có cả lớp bồi dưỡng gà nòi để thi đấu và cũng có đủ tình trạng phao phiếc, gian lận như thi cử ngoài đời ... Đa phần chỉ chú trọng nhồi nhét kiến thức, thiếu chiều sâu, nghiêng về một Thiên Chúa công thẳng lạnh lùng.

Qua cái lò đào tạo như thế, đại đa số các xứ đạo miền Bắc là những tập thể mạnh, nhưng tách cá nhân ra khỏi xứ đạo thì chưa chắc. Có một số vào Nam làm việc rồi đâm ra hư hỏng. Tình trạng trầm trọng đến độ có cha xứ cấm không cho con chiên vào Nam kiếm sống nữa, hoặc làm gì thì làm, đến mùa hè phải về học giáo lý, bằng không thì "quên đi" chuyện lấy vợ lấy chồng ! Mình cho rằng miền Nam mang tiếng oan, cần gì phải vào Nam, cũng chẳng cần phải ra tới Hà Nội, từ quê ra tỉnh thôi cũng đã thay đổi rồi. Mình gặp một số sinh viên từ miền quê ra Hà Nội học hành, hư cũng có mà chưa đến nỗi hư cũng có. Họ tìm đến mình khi cảm thấy như đã đánh mất niềm tin, cái niềm tin tưởng chừng có thể dời non lấp biển khi còn ở quê nhà. Họ vào một môi trường mới. Sáng ra không có ai kêu dậy đọc kinh xem lễ. Bạn bè toàn là dân ngoại. Thầy giáo thì bảo không có Chúa. Đương nhiên không phải ai cũng bị khủng hoảng lòng tin, nhưng qua giải tội mình thấy có kha khá sinh viên nam cũng như nữ lắm khi chỉ bận rộn chút thôi là có thể bỏ lễ Chúa nhật được rồi.

Thành phố đầy cạm bẫy. Chính các sinh viên nữ người Hà nội nói với mình rằng: chúng con có gia đình tại thành phố, nên bị cha mẹ cấm không cho đi chơi khuya. Còn các bạn ở quê chẳng có ai kiểm soát cả, thích đi đâu thì đi, muốn mấy giờ về thì về. Mình thấy rằng có ra khỏi lũy tre làng mới biết mối dây ràng buộc giữa một bạn trẻ với Chúa có chắc hay không. Mà sợi dây này chỉ được đan dệt bằng cầu nguyện. Nếu những lễ lạc rước xách kinh kệ ở làng quê chỉ là gượng ép chiếu lệ ham vui đối với một bạn trẻ thì ra thành phố có nghĩa là tháo cũi xổ lồng. Thường thì bạn ấy không còn cầu nguyện riêng tư nữa. Xưa nay nếu thích ai thì mình hay trò chuyện với người đó. Nhờ trò chuyện mà hiểu nhau, nên thân thiết và tin nhau. Thế mà không cầu nguyện thì làm sao mà tin mà yêu Chúa được. Không cầu nguyện thì cầm chắc là sẽ thấy khô khan và lòng tin sa sút.

Trong cả một lịch sử dài của dân Chúa, họ biết đến một Thiên Chúa mạnh mẽ kinh khiếp uy hùng, nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Hình như biện pháp trừng phạt răn đe không mấy hiệu quả. Luật khắc trên đá như vậy chỉ áp dụng cho dân trước công nguyên, mà hiệu quả không được như ý lắm (giống như luật giao thông bây giờ, hay giống như cấm những người nghiện hút không được chơi heroin), Sau công nguyên thì luật phải được khắc trong tim. Răn đe vẫn còn đấy nhưng dành cho các tín hữu chưa trưởng thành. Lớn lên rồi thì chỉ có lòng yêu thương mới ràng buộc được người ta với Chúa. Vì muốn tạo mối dây yêu thương ấy mà Chúa Giêsu mới xuống thế làm người. Chỉ có dây yêu thương mới giữ nổi người ta lại với Chúa giữa thác lũ thế gian lôi cuốn. Mà không cầu nguyện, không trò chuyện với nhau thì làm gì có yêu thương.

Nếu đời tu của mình là theo "sát" Chúa Kitô thì cầu nguyện là lúc mình nhảy vào "ở trong" Ngài, là lúc tay mình thọc vào cạnh sườn đụng tới trái tim cho nó chảy ra dòng máu cứu độ. Nếu đời phục vụ của mình theo mẫu là Đức Kitô thì cầu nguyện là lúc mình đem so sánh xem bản copy với mẫu khác nhau chỗ nào. Nếu phục vụ phải có tiền, có sức khỏe, có trí thông minh thì cầu nguyện là lúc mình ở trong kho nhiên liệu, tha hồ đổ cho đầy mà chạy máy. Ngày xưa, Chúa Giêsu nói với các môn đệ ngài: "Cho đến rày, các con không xin gì nhân danh Thầy". Câu nói này có nghĩa là từ trước đến giờ các môn đệ khi cầu nguyện, xin xỏ điều này điều kia đều đứng "ở ngoài" Chúa Giêsu. Đứng ở ngoài là lẽ đương nhiên, vì các môn đệ có xẻ thịt Chúa Giêsu mà chui vào trong được đâu. Nhưng khi Chúa Giêsu phục sinh rồi thì khác. Không còn tường vách nào ngăn được Ngài, và ngược lại, ngay chính thân thể Ngài bây giờ là cái phòng ai chui vào cũng được. Ngài ở trong cả ngàn người rước lễ nhưng ai cũng có đầy đủ một Chúa Giêsu sống động trong mình chứ không phải chỉ có một miếng thịt. Và khi cầu nguyện ta có thể chui vào ngồi đâu đó trong 4 ngăn của trái tim Chúa ! Sau phục sinh mới có thể cầu nguyện "ở trong" Chúa Giêsu hay là "nhân danh" Chúa Giêsu như vậy được.

Nói đến cầu nguyện ở trong Chúa Giêsu mình lại nhớ nhà thờ, vì mọi người thường cầu nguyện ở trong nhà thờ. Trước Thượng hội đồng Dothái, Chúa Giêsu nói: "Phá đền thờ này đi, 3 ngày Ta sẽ dựng lại". Khi Chúa Giêsu nói như vậy, ta hiểu đền thờ là thân thể Chúa hay đền thờ làm bằng gạch đá cũng được. Cả hai đều đã bị phá hủy, cả hai đều đã lỗi thời. Nhà thờ mới đã được "dựng lại" chính là Đấng Phục Sinh, và bây giờ phải cầu nguyện trong đó mới là hợp thời, mới là chính đáng. Tác giả sách Khải Huyền viết: "Tôi không thấy có đền thờ, bởi vì đền thờ bây giờ là chính Chúa, Thiên Chúa toàn năng và Chiên Con, cũng không cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng vì ánh sáng của nó bây giờ là vinh quang Thiên Chúa" (Kh 21,12). Mình còn nhớ câu chuyện ông Giacóp chiêm bao. Trên đường đi lẫn tránh Êsau, trong một giấc ngủ, Giacóp nằm mơ thấy một cái thang, chân thang dựng dưới đất nhưng đầu thang lại chạm tới trời, các thiên thần thì lên lên xuống xuống. Đức Chúa đứng ở đầu thang trên trời. Tỉnh giấc, Giacóp kinh hoàng nói: "Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa Trời". Ông đã dựng trụ đá làm dấu và đặt tên nơi ấy là "Bết Ên" nghĩa là Nhà Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu xác nhận chính Ngài là Bết Ên : "Quả thật. quả thật, Ta bảo các ngươi, các ngươi sẽ thấy Trời mở ra và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người" (Ga 1,51).


Thuở xưa, vào ngày khánh thành đền thờ Giêrusalem, vua Salomon đã dâng một lời cầu nguyện tuyệt vời, lời cầu nguyện mà mỗi lần đọc nó mình đều cảm động, vì nó phải là lời cầu nguyện của mình là một tư tế van xin cho dân mình: "Xin nghe lời nài van của tôi tớ Ngài và của Israel dân Ngài dâng lên ở nơi đây ... Khi dân Ngài bị quân thù đánh bại, nếu họ cầu khẩn trong đền thờ này, thì từ trời xin Ngài lắng nghe ...Khi trong xứ có nạn đói, khi dịch bệnh, khi có thành nào đó của chúng con bị quân thù vây hãm, khi chỉ có một người hay cả toàn thể dân tộc chúng con giơ tay hướng về đền thờ này, xin Ngài đoái thương ... Ngay cả với ngoại kiều không thuộc về dân Ngài, nếu nó đến cầu nguyện trong đền thờ này, xin Ngài lắng nghe và thực hiện mọi điều kẻ ngoại kiều ấy kêu xin, để mọi dân trên mặt đất nhận biết Danh Ngài ... Khi dân Ngài xuất trận, họ giơ tay hướng về đây cầu nguyện, xin thương nhậm lời ... Khi dân Chúa xúc phạm đến Ngài, vì thật không người nào mà không phạm tội, khiến Ngài thịnh nộ trao họ vào tay thù địch. Khi kẻ chiến thắng đày dân Ngài biệt xứ, trên đất lưu đày họ giơ tay hướng về đền thờ xây kính Danh Ngài đây mà van xin thì xin Ngài thương xót, vì họ là dân, là gia nghiệp mà Ngài đã đưa ra khỏi lò nung sắt Aicập ..." Lời cầu nguyện xa xưa này của vua Salomon đã được Thiên Chúa nhậm lời, nhưng không phải là nhậm lời cho cái đền thờ của ông xây, Thiên Chúa đã bình địa nó rồi. Phải là đền thờ do chính tay Thiên Chúa xây mới được. Chúa Giêsu là đền thờ mới, là Đền Thờ mà nơi đó Thiên Chúa chuẩn y lời cầu nguyện hay tuyệt của nhà vua. Vì thế, Chúa Giêsu mới bảo rằng: "Chúa Cha sẽ ban cho chúng con mọi điều chúng con xin nhân danh Thầy" (Ga 15,20) nghĩa là Chúa Cha sẽ ban cho chúng con mọi điều chúng con xin khi chúng con "ở trong" Thầy, ở trong Đền Thờ mới. Vì thế, lời cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu chắc chắn được chấp nhận. Có thể Thiên Chúa sẽ ban cho mình cái tốt hơn cái mình xin, vì Thiên Chúa yêu mình thật. "Ở trong" tức là nên một với Chúa Giêsu thì hẳn là Chúa Cha phải đồng ý, vì nếu không thì Cha và Con không còn phải là một.

Biết rồi ! Nhưng bây giờ làm sao mình có thể chui vào thân mình Chúa Giêsu để cầu nguyện được ? Mình thắc mắc sao giống ông Nicôđêmô quá. Được chứ, Chúa Thánh Thần sẽ làm giúp mình chuyện đó. Người đã thành công đưa Chúa Giêsu vào đặt trong dạ Đức Mẹ kia mà. Ngôi Hai Thiên Chúa vĩ đại cả vũ trụ này không chứa nổi mà Chúa Thánh Thần còn đặt trong bụng Đức Mẹ được, cái bụng mà 9 tháng 10 ngày chỉ mới bằng cái nồi cơm điện chứ mấy. Không có gì Chúa Thánh Thần không làm được. Vậy Chúa Thánh Thần chính là Đấng đưa mình vào cầu nguyện thật. Thánh Phaolô là chuyên gia nhờ vả Chúa Thánh Thần làm chuyện này cho nên ngài đã chia sẻ kinh nghiệm: "Thần Khí đỡ đần tình cảnh yếu hèn của ta. Vì cầu xin thế nào cho phải ta nào có biết. Song chính Thần Khí chuyển cầu cho ta bằng những tiếng rên khôn tả" (Rm 8,26).

Cầu nguyện thì ai mà chẳng cầu. Vô thần ở đâu chứ vô thần Việt Nam mùng một ngày rằm vẫn khói hương nghi ngút. Dòng mình là dòng đi chơi với dân nghèo, vì thế đã có lúc mình để ý xem họ cầu nguyện thế nào để bắt chước. Mình hay đến Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Hà Nội, nơi tập trung đầy dân nghèo đến hành hương vào thứ bảy đầu tháng. Họ là dân quê có khi ở thật xa Hà Nội, họ là các anh xe ôm, các chị đi mua ve chai sắt vụn mà ở miền Bắc gọi là các chị đồng nát, họ là sinh viên từ miền quê ra trọ học ... Có lẽ 90% đến đây là để xin ơn, 10% còn lại đến để tạ ơn và xin tiếp ! Ca tụng, ngợi khen thật là điều phải làm đấy nhưng hình như người nghèo không quan tâm lắm. Chúa vốn là Đấng khiêm nhường cho nên nếu ca tụng vô tội vạ, lộ liễu như thế e có vẻ "bợ đỡ" quá chăng ? Hình như cái chuyện Chúa là Đấng cao vời khôn ví, có toàn quyền sinh sát trong tay, còn họ là hạng muỗi mòng bọ chét là cái chuyện đương nhiên, cả con người, cả cuộc sống của họ đã nói lên rồi, khỏi cần phải bàn tới nữa. Có lẽ họ khổ quá nên cái thúc bách sát sườn là xin, và xin một cách "sống sượng" không cần nhập đề kết luận gì ráo. Họ xin mà không cần biết có lý hay không có lý, không cần biết Chúa có đủ "tiền" cho hay không, và cũng bất biết đến chuyện Chúa cho mình thì người khác coi như tiêu tùng. Mình cũng học được vài chiêu cầu nguyện "Trời ơi" đó, bây giờ đã đạt đến mức chỉ có đọc kinh phụng vụ mới mở miệng ca tụng Chúa, còn cầu nguyện riêng thì chỉ có xin và xin, có khi vừa bước chân vào nhà nguyện là xin mà chưa kịp làm dấu. Chẳng biết như thế thì Chúa ưng hay không ưng cái bụng.

Các cha giáo vẫn dạy mình khi giúp đỡ người nghèo thì đừng có ra oai, khi chăm sóc họ thì đừng như bà lớn. Mình nghĩ rằng khi cầu nguyện cho họ mình cũng đừng như ông lớn. Không phải là cầu nguyện cho nhưng là cầu nguyện với. Lời cầu nguyện của một giáo hoàng không chắc có giá trị trước mặt Chúa bằng lời cầu nguyện của một kẻ tội lỗi, vì khi giáo hoàng cầu nguyện thì thiên đàng im re, còn kẻ tội lỗi cầu nguyện thì ran lên cả triều thần thánh. Nhưng nếu giáo hoàng cùng cầu nguyện với người tội lỗi thì gây ra sự cộng hưởng làm rung rinh chín cõi thiên đàng. Ai đọc những hàng này chắc bảo mình ba sạo. Ừ thì nói phét cũng được, nhưng xin hãy nhìn Chúa Giê-su đi, Thiên Chúa đã làm cho Con Một mình thành một tội nhân không ai có thể nặng tội hơn được, vì tội cả trần gian này chất vào đó. Như vậy rõ ràng là có một Ngôi Hai đứng trên nóc nhà trời nhập chung với một tội nhân nằm dưới đáy vực sâu thăm thẳm, cả hai cùng dâng lên lời cầu nguyện thì phát sinh Hồng Ân Cứu Độ. Ơn cứu độ ấy làm rung rinh 999 cõi thiên đàng !

Có nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa biết hết, cần gì phải cầu xin, mọi sự Chúa sẽ lo liệu tất, ta chỉ cần tạ ơn, ca tụng, ngợi khen là đủ. Mình nghĩ chắc họ đang sống ở thiên đàng, vì chỉ có ở thiên đàng mới suốt ngày đêm ca tụng tạ ơn Chúa. Thôi hãy để họ sống trên mây, còn mình thì đang "ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương", đang bơi lè lưỡi trong cái bể khổ này. Chúa Giêsu có kể chuyện ông thẩm phán ác ôn và bà góa dai như giẻ rách. Nhìn thấy những người nghèo cầu nguyện mà không thấy hồi âm, mình không dám bảo Chúa là ông thẩm phán ác ôn nhưng xin Chúa cho họ và cho mình nữa, lì mặt như bà góa không còn gì để mất ấy.

Khi còn ở trần gian này Chúa Giêsu cũng thường xuyên xin, xin Chúa ban ơn đã đành có khi còn xin người ta gíup đỡ nữa: xin nước người phụ nữ Samari, xin cơm ông Giakêu ... Khi gặp cảnh đau khổ cùng cực, Ngài cũng "lớn tiếng kêu van cùng nước mắt" như mọi người nghèo. Hầu hết những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu được ghi lại trong Tin Mừng đều là những lời xin. Thánh Luca có 3 dụ ngôn về cầu nguyện: người bạn quấy rầy, biệt phái và thu thế, ông thẩm phán ác ôn và bà góa, thì cả đều nói về xin. Riêng dụ ngôn ông thẩm phán và bà góa đã mở đầu thế này: Ngài kể cho họ một dụ ngôn để bảo họ phải cầu nguyện luôn không bao giờ được dứt. Như vậy có nghĩa là Chúa bảo họ phải giống như bà góa kia, xin xỏ triền miên không chấm dứt. Chúa Giêsu đi giảng 3 năm chỉ dạy cho người ta một kinh duy nhất. Kinh Lạy Cha toàn là xin, tất tần tật từ đầu đến cuối. Câu kết thúc của kinh thánh là lời xin Maranatha, lời ấy như muốn nói rằng từ bây giờ cho đến tận thế sẽ vang vọng mãi một lời xin. 


Thân phận con người vốn yếu đuối, đi xưng tội lần nào cũng có những tội bỏ hoài không bỏ được: ngoại tình, quan hệ trước hôn nhân, đánh bài. chích hút ...Đứng lên ngã xuống bao nhiêu lần mới nghiệm ra một điều là mình vô phương chống cự, mà chỉ còn cách cầu xin Chúa ra tay cứu giúp. Sức con người không thể chừa được nhưng có gì là không được đối với Thiên Chúa ? Khi mình khiêm tốn nài xin, mình sống đúng cái phận ngjhèo, đúng phận tội nhân, đúng thân phận lữ khách đang mãi miết về quê. Đôi khi mình quên mất Thiên Chúa là Đấng thích ban tặng, vì thế xin là bác ái với Chúa. Nếu chỉ có ca tụng, ngợi khen, cầu nguyện vô vị lợi mà thôi thì Chúa sẽ mất công ăn việc làm.

Mình cũng gặp nhiều nàng đệ tử dòng tu áy náy khổ tâm vì không giữ được lời hứa với Chúa mỗi ngày cầu nguyện một giờ. Mình bảo: sao không bớt xuống còn 10 phút thôi cho dễ giữ. 10 phút cũng được nhưng phải trung thành, đó mới là điều quý giá. Khi thằng quỷ đánh đu trên mi mắt mà vẫn trung thành thì mới thật là hay. Sống đời tu hay đôi bạn đều phải trung thành cho đến chết, vậy hãy tập trung thành với 10 phút cầu nguyện mỗi ngày đi.

Nhiều chàng đệ tử hỏi mình phương pháp cầu nguyện. Mình hỏi lại: thế thì về nhà, em nói chuyện với bố có phương pháp không ? Hẳn là không. Nếu bố mình mà biết mình nói chuyện với ông có phương pháp đàng hoàng chắc ông cười no bụng, hoặc ông sẽ nẹt cho: "Với bố mày mà mày cũng đóng kịch à !" Thú thật, mình trò chuyện với Chúa có theo phương pháp nào đâu, đứng ngồi nằm quỳ Chúa đều OK cả, không thấy Chúa phản đối gì. Các cha giáo mắng thì con xin chịu, đọc sách dạy phương pháp cầu nguyện oải lắm ! Có phương pháp chăng đó là: nói một mình hoài cũng chán, cầu nguyện thì cả hai phải nói chứ, mình nghe Chúa nói bằng cách đọc Kinh Thánh, đọc từ đầu đến cuối, sách này sách kia, tắt một lời, đọc chỗ nào cũng được, thế thôi.

Ngày xưa, khi ông Môsê ở trên núi Sinai xuống, dân chúng không dám nhìn mặt ông, vì mặt ông sáng quá. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Vì ở gần Thiên Chúa nên mặt ông Môsê mới thay đổi như thế. Anh hay chị nào muốn có khuôn mặt vừa đẹp vừa thánh thiện, xin hãy cầu nguyện, chẳng cần đi bác sĩ thẫm mỹ đâu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét