1. Giúp giáo dân tìm hiểu Kinh thánh
Triết học kinh viện nói: "Không ai cho cái mình không có" và tục ngữ Việt Nam cũng nói tương tự: "Hữu xạ tự nhiên hương". Muốn giúp cho giáo dân hiểu Kinh Thánh thì công việc trước tiên của các linh mục, tu sĩ hiện nay là trở về với Kinh Thánh, bằng cách tham dự các buổi hội thảo Kinh Thánh, học lại, tự mình nghiên cứu. Chắc hẳn có những điểm hay những vấn đề Kinh THánh đã quên hay chưa hiểu rõ nên linh mục cần xem lại những điều ghi chép hồi xưa, hay xem lại những tập giáo trình cũ. Và nhất là nghiền ngẫm Kinh Thánh. Tuy gặp phải bất tiện là không có đủ sách hay không tìm được sách để đọc hoặc có sách nhưng không có thời gian vì công việc bề bộn.
Hiện nay, có mấy cuốn sách bằng tiếng Việt, các linh mục có thể đọc rồi giới thiệu cho giáo dân như:
Dẫn vào Tin mừng, Tìm hiểu Cựu Ước, Lắng nghe lời Chúa, Đọc Kinh Thánh, đọc như thế nào? Tìm hiểu Sáng thế 1 - 11, Tìm hiểu thư Thánh Phaolo và Khải huyền, Thánh Phaolo, con người và sứ điệp, Dẫn vào Tân Ước: Tin Mừng Nhất Lãm, Đọc Tin Mừng theo thánh Mat-theu, Đọc Tin Mừng theo Thánh Macco, Đọc Tin Mừng theo Thánh Luca, Đọc Tin Mừng theo Thánh Gioan, Chú giải Phúc Âm Chúa Giesu năm ABC, Biểu lãm các thư Thánh Phaolo, Dẫn vào Tân Ước: Tin Mừng Thánh Gioan, Vinh quang Thập giá, Vấn đề soạn thảo các Phúc Âm, Đọc sách Khải huyền, Đức Kito, tư tưởng và hành động của Người.
2. Trình bày, giảng dạy
Trình bày, giảng dạy lại cũng tuỳ loại, tuỳ người, Có loại phổ thông dành cho mọi người lớn bé già trẻ - loại này vừa dễ lại vừa khó: dễ vì nội dung đơn sơ, gồm những điều cốt yếu, nhưng khó vì phải nói cho đủ mọi hạng người, nói sao cho ai cũng hiểu được. Nếu có thể chia ra thành từng loại như người lớn, thanh niên, thiếu nữ, thiếu niên, nhi đồng thì rất hay. Bằng không thì đành phải nói chung cho mọi người thuộc đủ lứa tuổi về những điều căn bản như: Kinh Thánh là gì, Kinh Thánh nói những gì cho ta? Tại sao ta lại phải tìm hiểu và quí trọng Kinh THánh. Kinh Thánh có thể sai lầm được không?
Ngoài ra là loại dành riêng cho một số người hạn chế, gồm những người tình nguyện và có trình độ hiểu biết tương đối khá, để họ học rồi có thể truyền lại cho người khác. Với nhóm người này, cần nói kỹ, nói sâu về mỗi đề tài hay từng cuốn sách trong một thời gian liên tục kéo dài, tuỳ xu hướng và khả năng đón nhận của họ.
- Giảng trong thánh lễ: bài giảng phải đi sát với lời Chúa nhiều hơn thay vì chỉ lấy một câu rồi tán rộng ra, rồi đề cập đến mọi vấn đề cụ thể trong giáo xứ hay nói lại một vài tin tức thời sự đọc trong báo rồi ráp vào lời Chúa. Nhiều giáo dân nói rằng đến nhà thờ để được nghe diễn giải nghĩa lý của lời Chúa, chứ đâu có cần nghe thời sự hay chính trị.
- Dạy giáo lý: phải chú trọng đến Tin Mừng nhiều hơn, liệu sao cho trẻ em làm quen và thuộc Tin Mừng, thay vì chỉ học thuộc lòng những câu hỏi câu thưa trong sách giáo lý. Từ chỗ nghe đọc và thuộc Tin Mừng, dần dà trẻ em sẽ cảm thấy cần phải biết và thuộc Tin Mừng để sống đạo.
- Đọc các giờ kinh Phụng Vụ:
Đọc một phần các giờ kinh Phụng Vụ, đặc biệt là Kinh sáng và kinh chiều. Nối đọc được cả Kinh Sách nữa thì càng hay vì trong đó có bài đọc của các Giáo phụ và nhất là Kinh Thánh. Nhờ đọc các giờ kinh này, giáo dân được làm quen với lời Chúa trong các thánh vịnh và các đoạn trích Kinh Thánh Tân - Cựu Ước. Các anh chị em đó sẽ thấy rằng lời Chúa thật là thấm thía, thích hợp cho mọi cảnh đời và có sức khơi gợi lên những tâm tình cầu nguyện phong phú.
3. Khuyến khích và thúc đẩy giáo dân học Kinh Thánh
Các linh mục có trách nhiệm từ tốn, kiên nhẫn diễn giảng lời Chúa trong thánh lễ hàng ngày và nhất là Chúa Nhật, dưới hình thức đơn sơ, thân tình. Làm thế nào cho giáo dân chú ý theo dõi lời Chúa trong phụng vụ thánh lễ bằng cách làm nổi bật những bản văn Kinh THánh, tập trung sức chú ý của giáo dân vào các bản văn phụng vụ. Chú ý không để cho hát những bài không ăn nhằm với ý nghĩa của các bài ca nhập lễ, đáp ca, hiệp lễ hay toàn bộ thánh lễ cử hành hôm đó. hát là hát lễ, chính nội dung của buổi lễ cử hành chứ không phải chỉ là hát trong lễ và hát bất cứ bài nào cũng được, chẳng kể chi đến vị trí và vai trò của từng bài ca, vì mỗi bài nhập lễ, đáp ca hay hiệp lễ đều có nội dung và tác dụng riêng nên phải hát cho xứng hợp với từng loại bài ca và thể hình âm nhạc. Ví dụ nhập lễ phải tạo ra bầu không khí dẫn đưa vào ý nghĩa buổi lễ ngày hôm đó, đáp ca phải là đối đáp giữa ca đoàn hay ca xướng viên với cộng đoàn và có tính nghiền ngẫm, suy niệm đáp lại lời Chúa vừa mới nghe trong bài đọc, hiệp lễ phải là kết hợp tâm tình của người rước lễ với Đấng vừa đón nhận. Ngoài ra là chọn người đọc các bài sách thánh, vì không phải bất cứ ai đọc cũng được mà phải là người có cung giọng, đọc cho người ta nghe rõ, có khả năng phân câu dứt ý cho người ta hiểu. Cuối cùng là diễn giảng các bản văn trong thánh lễ. Không buộc phải diễn giảng hết mà chỉ cần một vài điểm chính và thích hợp lấy ra từ chính các bản văn Kinh Thánh trong lễ, chứ không phải đề tài nào ở bên ngoài không có liên lạc gì với lời Chúa trong buổi lễ hôm ấy.
Về phạm vi ngoài thánh lễ, cần tổ chức các buổi đọc kinh gia đình hoặc một nhóm ít người tại các buổi học giáo lý để cùng nhau chia sẻ lời Chúa, trực tiếp đọc sách Thánh. Mới đầu, có thể họ không hiểu và lấy làm nhàm chán. Vì thế, phải có người hướng dẫn và giúp họ tập đọc ít lâu trước, bằng cách chỉ cho họ thấy ích lợi và giá trị của những lời trong sách Tin Mừng, cũng như cách áp dụng những lời ấy vào đời sống vì lời Chúa luôn có tính hiện thời và hợp cho mọi hoàn cảnh. Cụ thể như có một số gia đình đã làm là rút vắn các kinh lại và thay vào đó bằng một đoạn lời Chúa, rồi cả gia đình ngừng lại đôi ba phút để suy nghĩ và cầu nguyện theo những lời đó.
Có một số linh mục đã tổ chức các buổi hội thảo Kinh Thánh, lấy các đoạn Tin Mừng hoặc chọn một đề tài thích hợp với mùa phụng vụ (sám hối, phục sinh...). Đồng thời kèm theo các bài tóm tắt phân phát cho thính giả sau buổi học, tham chiếu các đoạn trích dẫn Kinh Thánh.
Để làm được những điều này cần sự nỗ lực không ngừng từ cả hai phía.
Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016
GIA ĐÌNH TIẾP CẬN KINH THÁNH
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét