"Con không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gửi cho họ Thánh Giá sao?"

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

4 ĐIỀU CHIA SẺ VỚI TÂN LINH MỤC

1. Coi chừng nguy cơ sống bám vào cái hào quang bề ngoài

Sau khi chịu chức linh mục, anh em đã về dâng lễ tạ ơn tại giáo xứ mình và một vài nơi khác. Trong những dịp này và suốt thời gian qua, anh em đã nhận được biết bao lời chúc mừng và ca tụng. Chắc anh em đã trực tiếp cảm nghiệm được lòng tôn kính của người dân đối với linh mục lớn lao thế nào. Vì tôn kính linh mục, người ta cũng rất kính trọng các bậc sinh thành của linh mục mà họ tôn lên thành "ông bà cố" - một điều mà chắc các cha mẹ nào cũng mơ ước. Nhưng anh em cũng hiểu rằng trong văn hoá Việt Nam vốn còn mang đậm ảnh hưởng của Nho giáo, lòng tôn kính đó xuất phát từ một phần của đức tin nhưng trước mắt từ cái nhìn tự nhiên về chức vụ linh mục như một thứ bậc, một chức tước xã hội.

Nhưng chúng ta cần tỉnh táo để đừng rơi vào chước cám dỗ, sống bám vào hào quang xã hội trùm lên mình hoặc bám vào ánh hào quang của chức vụ linh mục hơn là sống bằng thực chất và uy tín tinh thần mà chính mình tạo ra nhờ cố gắng sống đời linh mục như lòng Chúa muốn. Cám dỗ này là có thật khi một con người cũng bình thường như chung chung mọi người thôi, nhưng chỉ sau một lễ truyền chức bỗng chốc thấy mình được "tăng giá" trước mặt xã hội, giống như một khu đất bình thường được tăng giá gấp nhiều lần sau khi có một con đường lớn chạy qua.

2. Luôn ý thức về sự bất xứng của chúng ta đối với sứ mạng cao cả được giao phó
Linh mục được sai đến với một nhân loại khổ đau và bị tổn thương, nhưng chính mình cũng mang thương tích của tội lỗi. Chúng ta được sai đi cứu vớt, trong lúc chính mình cũng cần được cứu vớt. Chúng ta thánh hoá người khác và loan báo Tin mừng cho người khác, mà chính chúng ta cũng phải được thánh hoá và được Phúc Âm hoá. Có một sự chênh lệch lớn lao giữa chúng ta là "phương tiện" tầm thường Chúa dùng và "mục đích" cao cả mà Chúa đặt ra cho sứ mạng linh mục. Ta phải luôn luôn giữ cho sống động cái ý thức về sự chênh lệch này để đừng quên nỗi cùng khổ, sự yếu hèn và bất xứng của chúng ta.

3. Đừng trở thành những linh mục công chức
Nói theo ngôn ngữ kinh tế, người linh mục "vào nghề" với một cái vốn quá lớn và luôn được bao cấp. Cái vốn lớn đó, chính là thánh chức linh mục, là ân sủng của chức vụ linh mục. Linh mục hành động không những nhân danh Chúa Kito mà còn là trong chính vị trí Chúa Kito, như chính Người hành động. Trong hành động riêng của chức vụ, linh mục làm gì, làm thế nào rồi cũng "thành sự" cả. Về mặt này, ông linh mục mới toanh hay ông linh mục đã thi hành chức vụ lâu năm, ông linh mục trẻ hay ông linh mục già, ông linh mục đạo đức hay ông linh mục kém cỏi... cũng hoàn toàn như nhau. Phero rửa tội nhưng chính Đức Kito rửa rội, Giuda rửa tội nhưng là Đức Kito rửa tội. Nói "Linh mục "hành nghề" luôn được bao cấp" là như thế đó. Có Chúa Giesu bao cấp cho rồi, linh mục "hành nghề" mà khỏi lo lỗ lãi chi cả, điều cốt yếu luôn được bảo đảm.

Thực tế này chất chứa một số nguy cơ cho người linh mục. Chẳng hạn nguy cơ làm các công việc bổn phận của mình, từ quản trị đến phụng tự một cách máy móc, vô hồn hay cứng cỏi; nguy cơ biến mình thành công chức của một cơ chế thay vì sống như một người môn đệ trung thành của Chúa và người mục tử tốt lành đối với cộng đồng dân Chúa, hoặc nguy cơ không còn thấy cần phải nỗ lực thường xuyên để hoàn thiện mình về mặt thiêng liêng và chuyên môn nữa.

4. Luôn luôn nuôi dưỡng sống động tinh thần truyền giáo
Ngày nay, chúng ta phải đổi cách nhìn về Giáo Hội. Cái nhìn nào mà phải thay đổi? Đó là cái nhìn quen thuộc và phổ biến "hướng vào nội bộ Giáo Hội" thay vì hướng mở ra bên ngòi tới thế giới bao quanh, tới những môi trường, những con người xa lạ với Chúa để đem Tin mừng đến cho họ. Cái nhìn hướng nội không phải là sai nhưng phiến diện và có nguy cơ làm cho người ta mãn nguyện về những thành tích đã đạt được. Nếu thay đổi cách nhìn, chúng ta sẽ thấy mọi sự không phải là tốt đẹp cả đâu và Giáo Hội còn nhiều vấn đề, nhiều thách thức. Chẳng hạn, có bao nhiêu người lớn nhập đạo hằng năm không phải vì lí do lập gia đình nhưng nhờ gương sáng đời sống hoặc nhờ lời rao giảng của người Kito hữu? Ít lắm! Đời sống đạo mà chúng ta đang rất hãnh diên có tác động tích cực nào ra bên ngoài ranh giới của các giáo xứ, các đoàn thể công giáo hay các dòng tu? Cũng kém lăm! Giữa đời sống văn minh giàu có của Sài Gòn và đời sống dân chúng ở vùng cao nguyên là một vực thẳm cách biệt. Thật lo lắng với đà phát triển vật chất đang diễn ra, liệu sẽ còn mấy ai sẵn sàng đáp lại ơn gọi tu sĩ và linh mục? E rằng chỉ còn mấy người "quê mùa" và "nghèo khó" mà thôi.

Chúng ta ngày nay phải có sự thao thức truyền giáo, phải luôn luôn nuôi dưỡng ý thức loan báo Tin mừng trong mọi công việc chúng ta làm và môi trường chúng ta sống. 



























0 nhận xét:

Đăng nhận xét