… Chà phung phí quá ! Sao lại đi tu chứ ? Cỡ như thầy, như soeur mà lo giúp đời, thì hay biết mấy? Trong khi có bao nhiêu điều cần làm trong lãnh vực bác ái và cả trong việc loan báo Tin Mừng, người ta có thể làm mà không cần có những cam kết đặc biệt của đời tu… Phải chăng là một sự phung phí năng lực mà con người có thể thi thố và giúp ích cho Giáo Hội, vừa có lợi cho xã hội?
Thực ra, vấn nạn trên đã xưa như trái đất, thời nào cũng có người thắc mắc, có phần tâng bốc ông thầy, lấy lòng masoeur, hoặc hiểu đời tu cách sai lạc, hiểu và nhìn đời tu dưới lăng kính cầu lợi vật chất.
Nếu đem so sánh với Tin Mừng thánh Gioan, thì thắc mắc trên có khác gì lời cằn nhằn đầy giả dối của Giuđa khi tỏ ra tiếc xót bình dầu quý của cô Maria: “Phung phí quá! Nếu dùng tiền tương đương bình dầu đó mà giúp người nghèo thì hay biết mấy…” Và Chúa Giêsu đã trả lời : “Cứ để mặc cô ấy làm”.
Người đời quan niệm là như thế là do phần lớn chỉ thấy những cái lợi thực tế bề ngoài, chứ không nhận ra được giá trị và hiệu năng của bậc tu trì. Nhưng làm sao chứng minh được gía trị và hiệu năng ấy cho mọi người?
Xin được trả lời qua bốn vai trò của tu sĩ là: Hiển thị, yêu mến, trung gian và bóng mát.
1. Hiển thị
Trong Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến (25-03-1996), Đức Thánh Cha đã dùng đoạn Thánh Kinh tường thuật việc Chúa đem ba môn đệ thân tín lên núi Ta-bo và hiển dung trước mặt họ, để tỏ cho họ biết sự thật cuối cùng về Đức Ki-tô. Nhưng liền sau đó, ngài lại dẫn họ xuống với mọi người đang chờ đợi các mình.
Theo thiển ý của người viết, phải chăng Đức Thánh Cha ngụ ý muốn các tu sĩ phải học đòi Đức Ki-tô để cùng hiển dung với Người. Các môn đệ không được để ý tưởng dựng ba cái chòi che khuất, cũng không nằm bất tỉnh dưới đất. Vì Chúa đưa họ lên cao là để chiêm ngưỡng sự hiển dung của Người.
Đời tu, trước hết là một cuộc hiển dung, vì tu sĩ đã mặc lấy Đức Ki-tô và phản chiếu ánh linh quang của Ngài cho nhân loại
Điều mà đời tu có thể mang đến được cho con người mọi thời mọi nơi, dù dưới hình thức nào, chính là giúp cho họ thấy và cảm nghiệm được sự thật cuối cùng của họ: họ là con cái Thiên Chúa, đã được Đức Giê-su giải thoát và nay được mời gọi tiếp tục vượt qua cảnh nô lệ tối tăm để bước vào miền tự do và ánh sáng, một hành trình khởi đi từ dân Do-thái và đang được hoàn thành trong lịch sử hôm nay (x. Các Bài Suy Niệm p. 125).
Sự đóng góp của đời tu, trước hết là đóng góp cho chính Giáo Hội. Bằng chính cuộc sống triệt để của mình, tu sĩ nhắc nhở và làm hiển thị cho Giáo Hội và các Kitô hữu thấy ơn gọi và thân phận thật của Giáo Hội cũng như của mọi Kitô hữu, chính là trở thành con cái Thiên Chúa.
Đã nhiều lúc Giáo Hội bị hoàn cảnh bên ngoài lôi kéo tới mức quên mất hay không còn coi trọng ơn gọi căn bản ấy. Chính trong khi làm công việc nhắc nhở và hiển thị này, đời tu được nhìn nhận là đã diễn tả rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô Giáo “là không chỉ đóng vai trò trợ giúp và nâng đỡ Giáo Hội như trong quá khứ trước đây, mà còn là ân huệ quý báu và cần thiết cho hiện tại và tương lai của Dân Chúa, vì đời tu nằm trong nếp sống, sự thánh thiện và sứ mạng của Dân Chúa một cách rất thâm sâu” (VC 3).
Thử hình dung xem Giáo Hội và các Kitô hữu đã có thể đi lệch xa mục tiêu và bản chất thật của mình tới mức nào, khi trong lịch sử, không xuất hiện kịp thời những con người tu trì và những đường lối tu hành thích hợp (x. Các Bài Suy Niệm p. 126).
2. Yêu mến
Thánh Phao-lô từng quả quyết về sự cao trọng và trường tồn của đức mến. Tất cả sẽ qua đi tất cả, chỉ có đức mến lưu danh muôn thuở và là tiếng thơm cho đời.
Hơn ai hết, đức mến của các tu sĩ phải vượt trên mọi mức độ có thể định nghĩa, nghĩa là yêu như Chúa yêu, yêu đến hy sinh cả tính mạng. Cho đi một cách nhưng không, không tính toán và hoàn toàn vô vị lợi – “không để lòng quảng đại gặp được lòng biết ơn”.
Thiên Chúa có thể dè dặt trước mọi hành động của con người, riêng về lòng mến thì luôn được Người đề cao khích lệ, cho dù những việc làm về lòng mến đôi khi có phần khác thường dưới con mắt người đời. Chúa đã từng trách Giu-đa vì ông cằn nhằn trước hành động chan chứa yêu mến của Maria (lấy dầu xức chân Chúa) và Chúa đã bảo: “Cứ để cô ấy làm…” – cứ để cô tha hồ làm mưa làm gió để thỏa mãn con tim dâng tràn sự yêu mến…và đã làm cho cả nhà nực mùi thơm (x. Ga 12,3).
“Những ai đã bị vẻ đẹp và lòng nhân hậu của Chúa thu hút, sẽ thấy việc làm mà người đời cho là phung phí kia, lại chính là một cách đáp trả hiển nhiên cho một mối tình, là một cách bày tỏ lòng tri ân vì đã được Chúa chọn cách đặc biệt để hiểu biết Con Chúa và chia sẻ sứ mạng của Ngài trong thế giới” (VC 104).
3. Trung gian
Con người trong bất cứ thời đại nào, lúc bình an hay đau khổ, đều không thể thiếu đời sống tâm linh, cho dù những cảm xúc về tâm linh đối với một số người không thường xuyên, nhưng ít nhiều hay hơn một lần, họ đã từng tìm đến cầu may, bái phúc nơi cửa chùa, đất thánh… Và mỗi lần muốn cầu xin hay tạ ơn điều gì với thần thánh thì họ thường nhờ đến các tu sĩ (theo tín ngưỡng của họ), để họ cầu nguyện cho. Và đương nhiên họ sẵn sàng đền công qua những lễ vật dâng cúng.
Tắt một lời, mọi người luôn quan niệm rằng những tu sĩ là những người ưu tuyển, mới xứng đáng đàm đạo với Thiên Chúa để cầu xin cho họ. Đó là một quan niệm đúng đắn và thực tế đang chứng minh như vậy. Vì thế, những tu sĩ đã được mang danh là trung gian chuyển cầu và trung gian tạ ơn: trung gian Thiên Chúa ban ơn lành cho nhân loại và trung gian dâng những lời khẩn nguyện, tạ ơn của nhân loại lên Thiên Chúa, thì họ phải thế nào để không bị mang tiếng là ‘hữu danh vô thực’, không để phụ lòng kỳ vọng của mọi người.
Sách Xuất Hành 17, 8-13 tường thuật việc dân Do-thái đánh nhau với quân Amalekh: Cứ mỗi lần ông Môi-sê giơ tay lên cầu nguyện thì quân của ông Giosuê chiến thắng, nhưng khi ông Môi-sê mỏi bỏ tay xuống thì dân Do-thái bị đánh tan tác. Khi đem so sánh hình ảnh này với các tu sĩ chuyên lo về cầu nguyện thì thấy vai trò trung gian và giá trị của họ cao quý dường nào. Thật vậy, nếu một ngày nào đó, tu sĩ cảm thấy mệt mỏi, không giơ tay lên để cầu nguyện nữa thì nhân loại sẽ khốn đốn vì sự dữ.
Có người cho rằng chẳng có thần minh nào cả, hoặc nếu có thì cũng chẳng có sự thưởng phạt gì. Vì kẻ ác cứ nhởn nhơ, xã hội cứ tục hóa, mà Thiên Chúa chẳng can thiệp gì, nếu có, tại sao Ngài không cảnh cáo, không can thiệp? Họ đã lầm, vì nếu Thiên Chúa cứ theo lẽ công thẳng mà xử trị như Đại Hồng Thủy, thì liệu còn có được bao nhiêu người còn sống? Bởi vì như tác giả Thánh Vịnh 142,2 đã viết: “Xin chớ đòi tôi tớ ra xét xử vì trước Thánh Nhan Chúa, chẳng có người nào là công chính”.
Thành phố lớn cỡ Sôđôm và Gômôra, mà chẳng kiếm cho đủ 5 người công chính, điều đó cho thấy số người xứng đáng trước trước mặt Thiên Chúa rất ít, và cũng cho thấy tình thương của Chúa rất bao la.
Rất may trong mọi thời đại (từ sau Chúa Giáng Sinh), không bao giờ vắng bóng các tu sĩ, các linh mục… và những con người đạo đức. Chính họ là những trung gian cầu xin sự tha thứ và xin Chúa ban muôn ơn lành cho nhân loại. Chính các tu sĩ (cách riêng là các Đan Sĩ) họ đang ngày đêm nói khó, ngày đêm mặc cả với Chúa như Abraham trong câu chuyện thành thành Sôđôm bị phá hủy (x. St 19, 23-32). Và có lẽ trong thế giới, dù có tội lỗi đến đâu, vẫn còn có những người ngày đêm hy sinh cầu nguyện để Chúa ban bình an cho nhân loại, dù không hoàn hảo, nhưng chắc chắn họ vẫn được Chúa ưu ái kể họ là “người công chính”. Nếu có mười người công chính thôi, thì Chúa sẽ tha cho cả thành Sôđôm, đang khi mọi nước trên thế giới hầu như đều có sự hiện diện của các tu sĩ, những người được kể là ưu tuyển của Thiên Chúa và theo một cách nào đó, có thể coi là “công chính”, thì làm sao Chúa nỡ đánh phạt thế giới khi hằng ngày vẫn có lớp lớp người giơ tay lên cầu xin sự tha thứ cho nhân loại. Người viết dám mạnh miệng nói rằng, nước Việt Nam vẫn mãi đứng vững vì khắp Trung, Nam, Bắc, đều có những Hội Dòng.
Như vậy, sứ vụ đặc biệt của tu sĩ mà hầu hết mọi tín hữu đều tin tưởng và kỳ vọng, đó là thay thế mọi nguời cách xứng đáng để dâng lên Thiên Chúa những nhu cầu của dân. Vì thế, chúng ta chẳng lạ gì việc người ta cứ đem tiền dâng cúng để nuôi các tu sĩ và đem lễ vật để xin các tu sĩ cầu nguyện cho.
4. Bóng mát
Người viết xin được đưa ra một lập luận nho nhỏ từ đoạn Tin Mừng kể về dụ ngôn hạt cải: “Nước trời giống như hạt cải gieo xuống đất nhưng khi mọc lên thì thành cây rau lớn và chim trời có thể rủ nhau đến trú ẩn”. (x. Lc 13,18-19). Theo suy nghĩ của người viết, tuy cuộc sống âm thầm, nhưng các tu sĩ lại là chỗ dựa tinh thần cho những ai muốn tìm lại sự an tĩnh trong tâm hồn.
Trong những năm gần đây, nhiều người bắt đầu cảm thấy mệt mọi với cơn lốc thị trường, với cảnh xô bồ hối hả, với không gian ồn ào náo nhiệt. Nhiều người cảm thấy sự trống vắng và chán nản, họ bắt đầu tìm đến các chùa chiền và dòng tu để tìm sự an tĩnh, đặc biệt là sự bình an cho tâm hồn. Chính vì vậy mà hơn lúc nào hết, cây đại thụ của Giáo Hội cần tỏa bóng râm để làm giảm bớt sự căng thẳng nóng nực của thế giới, là nơi có thể làm thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của con người. Không có gì ngạc nhiên khi các nhà khách của các Đan Viện quá tải vì khách đến tĩnh tâm quá đông, bởi vì khi ra về, hầu hết khách đều chân nhận rằng: Không gian Đan Viện làm cho tâm hồn họ lắng đọng, và đặc biệt mỗi lần tham dự giờ kinh chung với các thầy, các soeurs, lời kinh tiếng hát đã làm cho họ cảm thấy lòng thơ thới hân hoan, cảm nhận được một sự bình an khó tả.
Kết luận
Có nhiều cách phục vụ con người: chính trị gia thì vạch ra chính sách và đường lối cai trị, nhà kinh doanh thì mua bán trao đổi, nhà sản xuất thì làm ra hàng hóa phục vụ các nhu cầu đời sống, y bác sĩ thì chăm lo sức khỏe, bậc phụ huynh thì nuôi nấng bảo ban, các giáo viên thì khai tâm mở trí…, còn các tu sĩ thì có thể làm tất cả các việc ấy, nhưng trên hết, vẫn là làm sao để hiển thị cho mọi người biết chức vị làm con Thiên Chúa, cháy lửa mến yêu Chúa trong tha nhân, luôn giơ tay lên trời để lãnh muôn ơn lành cho thế giới và trở thành nơi đáng tin cậy cho mọi tâm hồn đến nương nhờ.
Đây không phải là một điều gì mới lạ hay là sáng kiến cá nhân, mà chính là đường mà chính Đức Giêsu- Thầy Chí Thánh đã đi. Các tu sĩ còn nhớ: khi giới thiệu Đức Giêsu là Con yêu dấu, Chúa Cha lập tức ra lệnh cho các Tông Đồ phải “vâng theo Ngài”, là phải bắt chước Ngài, phải đi cùng con đường của Ngài đã đi, nghĩa là thực thi trọn vẹn sứ vụ của mình.
Tu sĩ không thực hiện những sứ vụ này trong một thời gian giới hạn, hay là dễ thì làm khó thì lui, nhưng cương quyết thực hiện từng giây phút trong cuộc đời, biến nó thành một nếp sống vĩnh viễn và đóng dấu xác nhận trong trái tim đầy nhiệt huyết của mình. Có như thế, mới thay đổi được lối nhận thức thiển cận của nhiều người từng ca thán: đi tu là uổng phí tài năng, mà trái lại, họ cảm thấy an tâm và vui sướng vì có những tu sĩ tuyệt vời – không làm gì cả, nhưng lại làm tất cả…!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét