"Con không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gửi cho họ Thánh Giá sao?"

Tình yêu là số 0!

Tình yêu là số 0. Dù có thêm bao nhiêu vào bao nhiêu số 0 đi chăng nữa, thì kết cục cũng chỉ nhận lấy thất bại mà thôi... Đừng có ngớ ngẩn như vậy chứ. Số 0 là điểm khởi đầu của tất cả. Không xuất phát từ nó thì không gì có thể tồn tại được!

Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít

Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. (Mc 16: 15-18)

Tôi ghét sách!!!

Chúng chỉ dậy tôi về những điều mà tôi chẳng biết gì. Tôi đọc lòi cả mắt và vẫn không đọc được đủ tới một nửa... Tôi càng đọc nhiều, tôi càng thấy còn nhiều điều cần phải đọc.

Tôi sống hết tôi từng khoảnh khắc.

Vì chúng ta còn trẻ nên một ngày không cần phải quá bình yên. Vì chúng ta còn trẻ hãy cứ điên, nếu có sai chúng ta vẫn còn đủ thời gian làm lại mà... Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đằm mình trong cơn mưa ấy lần nữa.

"Tôi tên là Giêsu của Têrêsa"

- Này em, em tên gì? - Thưa bà, vậy bà tên chi? - Tôi tên là Têrêsa của Chúa Giêsu. Cậu bé mỉm cười rất dễ thương tiếp lời: - Tôi, tôi tên là ... Giêsu của Têrêsa! Nói xong, cậu bé "Giêsu của Têrêsa" biến mất...

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

- Louis Pasteur : “Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin vào Đức Chúa Trời.. Thật là mĩa mai cho lòng dạ con người, nếu chết là hết, hoặc chết là trở về với hư vô ... Một chút khoa học sẽ gạt bỏ Chúa, giàu khoa học sẽ quay về với Chúa” .
- Albert Einstein: “Sự gian ác là do vắng bóng Thiên Chúa trong linh hồn ... khoa học không tôn giáo là mù lòa, tôn giáo thiếu khoa học là què quặt....Tôi chưa hề gặp điều gì trong Khoa học của tôi mà lại đi ngược với Tôn giáo.”
- James Simpson : “Phát minh quan trọng nhất của đời tôi là tìm được Chúa Cứu Thế Giêsu .”
- Andre Marie Ampere “Con người chỉ vĩ đại khi quỳ xuống cầu nguyện với Thiên Chúa .”
- Blaise Pascal :"Giả như Thượng Đế không có, ta chẳng mất gì cả, nếu đã tin vào Ngài. Nhưng nếu có Ngài, ta sẽ mất tất cả, nếu ta không tin"
- Victor Hugo nói: “Nước Anh có hai cuốn sách: Kinh Thánh và Shakespeare. Nước Anh sinh ra Shakespeare; còn Kinh Thánh làm nên nước Anh”.
- Isaac Newton : "Cái huy hoàng của thái dương hệ, các hành tinh, sao chổi, chỉ có được là do sự điều hành của Một Đấng Thông Minh, Toàn Năng ...Tôi thấy Thượng Đế qua viễn vọng kính ....Thánh Kinh có nhiều biểu hiện chăc chắn về tính có thực hơn bât cứ một câu chuyện nào chống lại sách đó ...Trong đời mình tôi nhận biết được hai sự thật: thứ nhất - tôi là kẻ đại tội nhân, và thứ hai - Jêsus Christ vĩ đại vô lượng là Đấng Cứu Chuộc tôi ...Lực hút Trái đất chỉ giải thích sự chuyển động của các hành tinh nhưng không thể làm rõ ai, khi nào và bằng cách nào đã đưa các hành tinh vào vị trí chuyển động như vậy. Chính Chúa trời là người điều khiển và sắp đặt vạn vật. Người là bất diệt, là vĩnh cửu…”.
- Becquerel: "Nhờ nghiên cứu khoa học, đã dẫn tôi đến Thượng Đế và tôi có đưc tin ."
- Bourgeois: "Không có gì cản trở tinh thần khoa học hòa hợp với tín ngưỡng đã được suy nghĩ sáng suốt. Trái lại, khoa học càng được đào sâu, thì tôn giáo lại càng được tăng thêm sức mạnh và bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa, lại càng được sáng to hơn ."
- Duclaux: "Nếu sự sống đầu tiên xuât hiện trên mặt đât do tình cờ, nơi mà (vũ trụ này) mọi sự đều có luật, thì sự xuât hiện kia, nó kỳ dị như hòn đá, tự bò lên sườn núi ."
- Alessadro Volta : "Niềm tin như điện, bạn không thể thấy nó, nhưng có thể thấy ánh sáng ."
- Moreux : "Tôi liên lạc với cac vị giám đôc thuộc hầu hêt mọi đài thiên văn trên thế giới, tât cả đều tin có Thiên Chúa ."
- Charles Nicolle :“May mắn thay trong tôn giáo có những bí nhiệm. Nếu không tôi sẽ hoài nghi nó, vì cho rằng tôn giáo là do trí loài người tạo ra. Bí nhiệm làm tôi vững tâm; đó là dấu ấn của Thiên Chúa .”
- Thomas Alva Edison : "Edison hết sức khâm phục và ca ngợi tât cả kỷ sư, trong đó gồm cả Thiên Chúa ."
- Chevreul : “Tôi không thấy Thiên Chúa vì Ngài thiêng liêng, nhưng tôi thấy công trình tạo dựng của Ngài”
- Diderot : “Chỉ cần con mắt và cái cánh của con bướm, cũng đủ diệt tan mọi lý lẽ của kẻ vô thần .”
- LaBruyère: “Tôi muốn thấy một người trong sạch và tiêt độ tuyên bố rằng không có Thượng đế, nhưng không thấy ai cả .”
- Wernher Von Braun : "Sự bao la huy hoàng của vũ trụ đã làm cho đức tin vào Đấng Tạo Hóa của tôi được tăng thêm. Khoa học và đạo không thể mâu thuẫn nhau, nhưng là chị em ruột thịt, vì khoa học tìm thấy sự huy hoàng của vạn vật, mà đạo thì tìm thấy Đấng Tạo Hóa quyền năng đã dựng nên vạn vật tốt đẹp lạ lùng”
- Bacon: “Kiến thức nông cạn đưa người ta xa tôn giáo, ngược lại kiến thức sâu sa đưa người ta lại gần tôn giáo .”
- Francois Coppée: “Làm sao từ nay tôi không tin có phep lạ, sau khi đã được phép lạ do sách Phúc Âm làm nơi tôi? Linh hồn tôi trước kia mù tịt trước ánh sáng đức tin, bây giờ đã thấy ánh sáng này với tât cả vẻ huy hoàng của nó. Linh hồn tôi trước kia điếc đặc trước Lời Chúa, nay đã nghe rõ ràng và vui sướng cảm phục. Linh hồn tôi trước kia tê liệt vì không tìm hiểu tôn giáo, lúc này đã nóng nảy hăng hái bay lên trời. Qủy dơ bẩn mà linh hồn tôi bị ám ảnh, nay đã bị đuổi đi .”
- T. Termier: "Cứ chung mà nói, mọi khoa học đều dọn trí khôn ta nhận biêt Thiên Chúa hiện hữu...khoa học dẫn đến Thiên Chúa; và cũng chính vì thế mà người ta có thể nói, vũ trụ vật lý là bí tích của Thiên Chúa ."
- A. Eynieu : trong số 432 nhà bac học thuộc thế kỷ 19; 34 vị không biêt lập trường tôn giáo, còn 398 phân chia như sau: 15 vị dửng dưng, 16 vị vô thần, 367 vị tin; như vậy là 92% cac nhà bac học tin có Thiên Chúa.
- Bossuet : “Những chân lý đời đời không thay đổi [của luân lý] buộc ta phải tin rằng có một Đấng Tạo Hóa”.
- Victor Gess : “Một nhà khoa học chân chính có thể tin vào Đức Chúa Trời được không? Tôi nghĩ là có ... Tôi phải thừa nhận rằng qua suốt bấy nhiêu năm nghiên cứu khoa học của mình trong lĩnh vực vật lý và địa chất tôi chưa bao giờ nhận thấy những kết quả nghiên cứu khoa học có điều gì trái nghịch với đức tin vào Đức Chúa Trời - Đấng Tạo Hóa.”
- Charles Dickens : “Kinh Thánh Tân Ước chính là quyển sách tốt nhất đã từng và sẽ được biết đến trên thế giới”.
- Platon : “Những ai có một chút trí khôn, đều phải kêu cầu Đức Chúa Trời trước khi bắt đầu công việc của họ, dù việc lớn hay việc nhỏ”.
- Chateaubriand : “Tiêu hủy sự tin kính theo Phúc âm, thì mọi làng phải xây nhiều nhà ngục và phải có nhiều lý hình”.

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Chút gì đọng lại sau ngày lễ trao tác vụ phó tế và linh mục

... “Tôi chẳng là gì sao Người gọi tôi, tôi chẳng là sao Người gọi tôi, tôi thật nhỏ bé như chim như chẹn, như là hạt cát ở giữa biển khơi, sao Người gọi tôi, sao Người gọi tôi...”. Hay là “Đời con Chúa ơi sao quá mọn hèn mà Chúa đã gọi con bước lên, sai con đi giữa cuộc đời, để nên như men muối mặn đời ...” 

Nhiều và nhiều bài hát trong ngày trao sứ vụ mà ca đoàn thường hát phần nào nói lên thân phận của một con người nhỏ bé mà lại được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào trong công cuộc cứu độ của Chúa. Lời những bài hát ấy như khẳng địn, như nói lên thân phận mỏng dòn yếu đuối của con người nói chung và của vị tiến chức trong ngày lễ trao tác vụ nói riêng.

Như bao tín hữu, thi thoảng có dịp trao lễ tác vụ phó tế và linh mục tôi sung sướng được hiệp thông niềm vui ấy với tiến chức, với cộng đoàn và với Hội Thánh. Thánh Lễ trao tác vụ rồi qua đi, những thiệp mời dự lễ cũng sẽ chẳng còn, những bàn tiệc mừng hoành tráng cũng được dọn dẹp sau niềm vui lớn được chia sẻ thế nhưng điều đọng lại trong tôi không phải là những tấm thiệp đẹp, nghi lễ trang trọng, yến tiệc linh đình.

Đành biết không thể nào phủ nhận được cần và rất cần những tài nghệ điêu luyện của những nhà thiết kế thiệp, đành biết là cần có sự chuẩn bị thật cần thiết từ âm thanh ánh sáng, giúp lễ, ca đoàn để góp phần cho Thánh Lễ trao tác vụ được trang nghiêm, đành biết là cũng cần chút gì đó để mà “lạc” sau lễ, thế nhưng điều cần thiết mà tôi thiển nghĩ đó là tâm tình, thái độ, lối sống của tiến chức trong và sau cái ngày lễ tạm gọi là “huy hoàng” ấy.

Trong phần nghi thức trao tác vụ phó tế và linh mục, phần chính yếu là phần đặt tay xin ơn Chúa xuống trên tiến chức, rồi thêm những phần khác nhưng đọng lại trong tôi 2 điều mà tôi cảm thấy sâu sắc và đôi lúc rợn tóc gáy khi nghe. Tôi cũng chẳng nhớ chính xác từng câu từng chữ của vị giám mục chủ phong nhưng nghe đến những lời chỉ dạy của ngài tôi cảm thấy sợ :

- ... Con hãy tin điều con đọc, hãy nói điều con tin và hãy sống điều con tin !

- ... Con hãy nhận lễ vật này, hãy dâng lên Thiên Chúa và hãy rập khuôn đời mình theo mầu nhiệm Thánh giá Chúa !

Nghe ghê quá !

Một “bình sành lọ đất” (theo kiểu nói của thánh Phaolô) nay lại chứa đựng ơn thánh Chúa. Quả là là một điều có thể nói là bất thường nhưng với Thiên Chúa, Ngài lại hay biến cái bất thường ấy thành cái vô thường, cái phi thường nơi những phận người mỏng dòn và yếu đuối ấy.

Lời nhắn nhủ của Giám mục chủ phong trong ngày trao tác vụ ấy không chỉ nhắc nhở cho vị tiến chức mà hình như cũng nhắc nhở cho mỗi người Kitô hữu chúng ta vì lẽ mỗi người Kitô hữu chúng ta mang trong mình ba sứ vụ : ngôn sứ, tư tế và vương đế. Nói cách khác là mỗi người Kitô hữu cũng phải rập đời mình theo khuôn mẫu của Đức Kitô.

Mỗi một lần tham dự Thánh lễ trao sứ vụ phó tế, linh mục cũng là mỗi một lần chúng ta được vị chủ chăn nhắc nhớ sứ vụ của mỗi người chúng ta : hãy rập đời khuôn đời mình theo mầu nhiệm Thánh giá Chúa. Ước chi lời của vị chủ chăn đọng lại nơi mỗi người chúng ta để ngày mỗi ngày, chúng ta từng bước cố gắng rập khuôn đời mình theo Thánh giá Chúa vậy.

Biết rằng để sống, để vác, để rập đời mình theo Thánh giá Chúa không phải là chuyện dễ nhưng cũng chẳng phải là chuyện không thể làm được. Ta cứ cố gắng, cứ cố gắng ngày mỗi ngày thì sẽ được. Cộng thêm với ơn Chúa bằng lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta, hy vọng mỗi người chúng ta cũng sẽ trải nghiệm, sẽ sống và cũng sẽ thốt lên như Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô : “Tôi không muốn biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu, mà là Đức Giêsu chịu đóng đinh”.

Vâng ! không biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu chịu đóng đinh đồng nghĩa rằng ta đã sống rập đời mình, quy chiếu đời mình vào mầu nhiệm Thánh giá Chúa.

LINH MỤC NGÀY NAY

(Bài viết này của Đức Cha John R. Quinn, trước đây Ngài từng là Tổng Giám Mục San Francisco, California, USA.) 

Từ khi bắt đầu làm Giám Mục, 32 năm trước đây, tôi đã có dịp gặp gỡ và làm việc với nhiều linh mục khắp nơi tại Hoa Kỳ. Tôi đã từng là Giám Mục một giáo phận miền quê, rồi Giám Mục một giáo phận ở thành thị. Tôi đã từng đi giúp tĩnh tâm cho các linh mục ở Miền Đông, Miền Tây và miền Trung Tây Hoa Kỳ. Tôi đã cùng làm việc với các linh mục trong các Uỷ Ban và trong Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ. Ở đây, tôi chỉ muốn trình bày hình ảnh linh mục của giai đoạn lịch sử này – Lúc này là vào tháng 7 năm 2002.

Cách đây vài năm, tôi có dịp đến giảng tĩnh tâm cho các linh mục tại một giáo phận và nhân lúc ăn trưa, nhiều linh mục đến nói chuyện với tôi về số linh mục giảm sút tại Hoa Kỳ, rồi hỏi tôi các Đức Giám Mục tại Hoa Kỳ đang làm gì để đối phó với sự giảm sút tăng nhanh đó. Tôi nói là đã có những cuộc bàn thảo về làm cách nào để cổ võ ơn gọi làm linh mục; tuy nhiên, theo như tôi biết, thì chưa có một kế hoạch thực sự nào có tính cách toàn quốc để đáp ứng với vấn đề này. Nghe tôi nói như thế, các linh mục đó tỏ ra thất vọng; tuy nhiên, có một linh mục nói với tôi: "như vậy thì thật đáng thất vọng cho anh em linh mục chúng con; nhưng chúng con vẫn quyết trung thành với sứ vụ linh mục để phục vụ Chúa và Dân Chúa!"


Thật sự, tinh thần trung thành phục vụ đó, tôi gặp thấy khắp nơi tại Hoa Kỳ. Các linh mục tại Hoa Kỳ đang âm thầm và trung tín thực thi sứ vụ linh mục của mình một cách tuyệt hảo với tất cả khả năng của mình. Nhiều linh mục đang sống một cuộc sống anh hùng. Họ sống thầm lặng không cần ai biết tới. Họ đặt nền tảng đời sống của họ vào lời cầu nguyện và niềm tin tưởng phó thác nơi Chúa. Họ luôn ấp ủ một niềm lắng lo sâu xa, tinh tuyền cho Dân Chúa. Hiệu quả của đời sống chiêm niệm và phục vụ của các anh em linh mục đó là họ có thể nhìn thấy Chúa Giêu trọn vẹn là đầu, là chi thể, là Thiên Chúa và Dân Chúa. Đời sống chiêm niệm không khép kín các linh mục đó nơi Chúa Kytô mà quên Dân Chúa. Các linh mục đó không chỉ nguyên lo cho đời sống thiêng liêng của mình, nhưng các ngài được nâng đỡ, được phong phú hóa và tìm thấy sức mạnh ngay khi sống cho giáo dân và sống giữa giáo dân. Họ gặp thấy Chúa Kytô ngay khi làm việc với giáo dân cũng như khi âm thầm cầu nguyện một mình. Họ thật sự đã sống sâu xa lý tưởng linh mục đã được ghi lại trong Phúc Âm Thánh Gioan, Chương X: "Người mục tử tốt lành là người mục tử dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên!"

Bất cứ ở đâu, kể cả khi tôi đi nghỉ hè với các linh mục, tôi cũng thấy họ bàn đến sinh hoạt giáo xứ của mình, về những dự án ích lợi hay không ích lợi cho giáo dân, những cảm nghĩ về các biến cố và chủ trương trong đời sống Giáo Hội. Nói cách khác, các linh mục đó là những người luôn tập trung tất cả nghị lực để phục vụ giáo dân và Giáo Hội Chúa. Chức linh mục của các linh mục đó không phải chỉ là một nghề hay một công việc, nhưng là cả một cuộc đời! (their priesthood is neither an avocation nor a job. It is their life!). Các linh mục đó làm tôi xúc động nhớ đến một lần khi một chính trị gia nổi tiếng toàn quốc đến nhà dùng cơm chiều với tôi. Từ khi ông đến cho đến khi về, ông chỉ nói về chính trị. Có thể nói chính trị là đồ ăn thức uống của ông. Cũng tương tự như vậy, tôi đã gặp nhiều linh mục luôn luôn lo lắng cho giáo dân. Các ngài là những chủ chăn mà đồ ăn thức uống là Giáo Hội, giáo xứ và giáo dân. Công việc mục vụ là trung tâm cuộc sống của họ.

Tôi biết có những linh mục vẫn giữ việc nguyện ngắm hàng ngày, vẫn đều đặn đi tĩnh tâm, đi "bàn việc linh hồn" và đi xưng tội. Tôi vẫn thường đi chung xe với những linh mục có treo tràng chuỗi trên xe hoặc để ở một dĩa nhỏ gần chỗ ngồi. Trên bàn ở phòng khách của nhiều linh mục vẫn để những cuốn Thánh Kinh, và trên giá sách vẫn để những cuốn sách chú giải Thánh Kinh, những sách đạo đức và những sách tra cứu để dọn bài giảng. Tuy nhiên, trong "cốp xe" của các linh mục đạo đức này, vẫn có cây đánh gôn, đồ đi trượt tuyết hoặc đi săn. Đó là các linh mục biềt sống đời sống nội tâm sâu xa, nhưng cũng biết dành thời giờ giải trí để giữ đời sống được quân bình. Đan cử như Đức John Henry Newman, dù đem hết tâm lực dấn thân vào đời sống mục vụ và viết sách, ngài cũng vẫn thích đi thăm sở thú. Thỉnh thoảng, kể cả khi ngài đã làm Hồng Y và khi tuổi đã lớn, ngài vẫn đi xe lửa lên London để thăm sở thú cả một ngày. Có khi Ngài làm cho Đức Hồng Y Henry Edward Manning cũng phải ngạc nhiên, khi thấy ngài đến thăm và ngủ lại đêm với ông bà mục sư Niên Trưởng Anh Giáo tại nhà thờ Thánh Phaolô (Luân Đôn).

Việc có những linh mục làm gương xấu vì bị tố là lạm dụng tính dục đã gây đau khổ cho các linh mục ngày nay. Tại California, những khủng hoảng về tài chánh và tính dục ở địa phận Santa Rosa đã làm chúng ta bận tâm rất nhiều. Không lâu trước đây, "Kansas City Star" có báo cáo là một số linh mục bị bệnh "Aids". Nhưng những nghiên cứu sau đó đã chứng tỏ là bản báo cáo và những cuộc điều tra của họ rất thiếu sót và thiếu xác thực. Tất nhiên, bên cạnh những điều tốt lành của các linh mục cũng vẫn có những gương xấu nơi một số linh mục đã không được huấn luyện thuần thục để có thể trưởng thành về tâm lý và tình cảm. Một số còn lại bị ảnh hưởng xấu lúc tuổi trẻ hoặc xuất thân từ những gia đình không được hòa thuận. Một số, nay đã lớn tuổi, bị như vậy cách trầm trọng, vì đã bị giáo dục một cách khép kín trong thời gian ở Chủng Viện vào thời trước công Đồng Vatican II.

Có những linh mục, cũng giống như nhiều nhân vật hoạt động cho quần chúng, thời xưa cũng như thời nay, thường không chịu tìm kiếm sự nâng đỡ và những trị liệu tâm lý, sợ rằng sẽ bị thiên hạ kết án, hoặc có thể nêu gương xấu. Họ nghĩ "nếu thiên hạ biết tôi phải đi bác sĩ tâm lý, chắc sẽ cho là tôi đang gặp vấn đề thác loạn tâm lý trầm trọng đáng tiếc." Một số khác sợ sẽ bị "tẩy chay" nếu phải đi chữa bệnh tâm lý. Vì thế, "vấn đề" của họ cứ âm ỉ và liên tục phát triển cho đến lúc "bùng nổ thảm hoạ". Ráng "kìm hãm" là một yếu tố gây thảm họa.

Vậy phải giải quyết các nan đề đó như thế nào?

Trước hết phải bỏ đi ảo tưởng là các bệnh họan đó ngày xưa không có và sẽ hết đi trong một tương lai gần. Thực sự những bệnh tâm lý đó vẫn luôn xảy ra. Bao lâu chúng ta còn mang bản tính con người, những "vấn đề" đó vẫn tồn tại và liên tục xảy ra. Điều đó trước đây người ta đã hiểu không đúng.

Bây giờ người ta hay phiền trách các Đức Giám Mục là đã không biết cách giải quyết đúng vấn đề gây ra do bệnh "mê trẻ em (pedophilia) hay "bệnh mê thiếu niên" (ephebophilia). Mà làm sao các vị Giám Mục biết được, trong khi chính các nhà chuyên môn tâm lý cũng không biết, hay biết rất ít về các bệnh tâm lý này. Hồi xưa không có vấn đề khảo sát về bệnh "mê trẻ em" mãi cho đến cách đây chừng 15 năm. Một bác sĩ tâm thần nói với tôi là trong thời gian học tập lâu dài, ông chỉ được nghe thuyết trình vào khoảng 2 giờ đồng hồ về "bệnh mê trẻ em" (Pedophilia). 

Thường thì các phương tiện truyền thông thích khai thác vấn đề tu sĩ lạm dụng tính dục. Điều này càng làm cho các linh mục thêm đau buồn. Khi một linh mục ở San Francisco bị nêu tên liên tục trên báo chí về tội xâm phạm tính dục, một viên chức cảnh sát đến nói với tôi rằng trong năm đó ông phải xử lý 1,100 vụ lạm dụng tính dục trẻ em của đủ thứ người khác nhau, nhưng trong đó chỉ có một linh mục, thế mà dân chúng lại chỉ biết đến trường hợp của linh mục đó thôi.

Những nghiên cứu và thực tế cho thấy: Hầu hết các linh mục yêu mến công việc mục vụ của mình, biết đặt trọng tâm đời sống trên nền tảng đức tin. Đa số biết cảm nhận được niềm vui sâu xa, thầm lặng qua việc cử hành Thánh Lễ.

Đứng trước những thử thách hiện nay, các linh mục đó biết tìm ra đường hướng giải quyết các vấn đề nghiêm trọng có thể gây phiền muộn và nản lòng. Hơn nữa, các linh mục đó luôn cảm nhận được sự nâng đỡ và yêu thương của giáo dân. Nhờ thế, các ngài cảm thấy không bị cô đơn trong cuộc sống.

Vậy, viễn tượng không phải là đen tối đâu! 


Tôi tin rằng lúc này là thời gian tốt nhất trong lịch sử của Giáo Hội để sống đời linh mục; vì lúc này là lúc chỉ có một lý do duy nhất để đi tu làm linh mục hay tiếp tục đời linh mục, đó là chỉ để sống với Chúa Kytô và sống vì Chúa Kytô chứ không phải vì để được lợi ích vật chất hay để được ca tụng, kính nể hay để có địa vị hay tiền của hoặc các lợi ích trần gian khác. Những điều trên đây hoặc chẳng còn hoặc rồi cũng mau chóng hết đi. Linh mục ngày nay bó buộc phải chọn lựa hoặc tự hiến toàn thân cho Chúa Kytô, một Chúa Kytô chân thực, là Đấng đã sống nghèo, nghèo đến độ bị người đời coi khinh, chối bỏ và đánh giá sai lạc. Đó là một Chúa Kytô chân thực của Tin Mừng. Nếu không sống như vậy, linh mục sẽ như nhóm người lầm lạc thời Chúa Kytô, chỉ muốn sống theo thói thường, sống theo thế gian, lúc nào cũng muốn thịnh đạt.

Một linh mục lấy Chúa Kytô làm trọng tâm đời sống và tình yêu của mình, là một linh mục có thể đem lại cho Giáo Hội và Thế giới điều mà thời nay mong đợi, đó là Niềm Hy Vọng. Giáo Hội cần những người đi rao giảng. Đúng! Nhưng, hơn bao giờ hết, lúc này Giáo Hội cần những chứng nhân đem lại Niềm Hy Vọng.

(Bản dịch từ bài báo "The Strenghts of Priests Today" của Đức Tổng Giám Mục John R. Quinn, đăng trong Tuần Báo America, July 1-8, 2002 – Bản dịch do Linh Mục Anphong Trần Đức Phương).

Lời nguyện của một linh mục chiều Chúa nhật



Lạy Chúa, chiều nay, con chỉ có một mình … những tiếng động trong nhà thờ lần lần tắt im … những người đi dự chầu đã về hết.

Và con, con trở về nhà xứ,

Một mình …

Con gặp những người đi dạo chơi về …

Con đi qua những rạp hát chật ních người vào ra …

Con thả bước dài theo các quán cà-phê đầy những người có vẻ buồn chán đang gượng gạo kéo dài cuộc vui ngày Chúa nhật …

Con gặp thấy nhiều trẻ con đang chơi trên các vỉa hè. Những trẻ con, lạy Chúa, nhưng là những trẻ con của người ta, chớ không bao giờ phải là của con …

Này con đây, lạy Chúa, con chỉ có một mình …

Sự yên lặng làm con khó thở,

Sự cô quạnh đè nặng trên con …

Lạy Chúa, nay con được 34 tuổi,

Con có một thân thể như những người khác,

Với những bàn tay gân guốc để làm việc,

Với một quả tim được dành để yêu đương,

Nhưng con đã phó dâng cho Chúa hết …

Thật ra Chúa đang cần những cái đó.

Con đã phó dâng cả cho Chúa rồi, nhưng lạy Chúa, dâng vậy thật là đau khổ …

Thật đau khổ khi con phải dâng thân xác cho Chúa, bởi vì thân xác đó nó muốn tự hiến cho một người khác.

Thật đau khổ khi phải yêu tất cả mọi người mà không được giữ riêng lại một người nào.

Thật đau khổ khi con bắt lấy một bàn tay mà con không được muốn giữ luôn …

Thật đau khổ khi con gây được một mối tình mà rồi phải trao mối tình đó lại cho Chúa …

Thật đau khổ khi con không được sống cho mình một chút nào mà phải hoàn toàn sống cho kẻ khác.

Thật đau khổ khi con phải sống như kẻ khác, giữa kẻ khác, mà con không phải là người như họ …

Thật đau khổ khi con phải đi tới với kẻ khác, mà không hề có một ai sẽ tới với con.

Thật đau khổ để biết tội lỗi kẻ khác trong khi con không được từ chối việc tiếp đón và nâng đỡ họ.

Thật đau khổ khi con nhận biết những sự kín của người ta mà không được tiết lộ cho ai …

Thật đau khổ khi thấy cả đời con phải lôi kéo kẻ khác mà không khi nào được ai thúc đẩy con dù trong chốc lát …

Thật đau khổ khi con phải luôn luôn ra tay nâng đỡ những người yếu đuối mà con thì không bao giờ nương dựa được vào một người mạnh …


Này con đây, lạy Chúa !

Này thân xác con

Này trái tim con

Này linh hồn con …

Xin cho con được cao thượng đủ để vượt lên khỏi thế gian.

Xin cho con được mạnh mẽ đủ để nâng đỡ thế gian.

Xin cho con trong sạch đủ để ôm ấp thế gian mà không hề muốn giữ lại nó cho con.

Xin cho con được nên như một môi trường gặp gỡ, nhưng là một môi trường tạm thời ; cho con nên như con đường không cùng lối, hướng dẫn đi tới Chúa.

* * *

Lạy Chúa, chiều nay trong khi mọi sự đều yên lặng và trong khi trái tim con cảm thấy đau đớn vì cô quạnh.

Trong khi mọi người đang giày vò hồn con và con cảm thấy bất lực để làm cho họ được thoả mãn.

Trong khi bao nhiêu khốn nạn và tội lỗi của thế gian là cả một sức nặng đang đè trên vai con.

Thì con xin nói lại với Chúa là con sẵn sàng hy sinh luôn ; không phải nói với một giọng cười diễu nhưng nói một cách chậm rãi, suy nghĩ và khiêm nhường.

Lạy Chúa, này con đang một mình trước mặt Chúa, trong sự yên lặng của buổi chiều nay.

Theo mãi một Người

Đức Giêsu vừa lên đường thì có một người chạy đến quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" Đức Giêsu đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành ? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các giới răn: chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp. chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ". Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ". Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi". Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,17-22)

Thuở xưa, khi Thiên Chúa chọn ai làm việc cho Chúa thì Người nói chuyện với họ cách rõ ràng lắm, như trường hợp của ông Abraham, của Môsê, của ngôn sứ Isaia ... Chúa chọn thánh Giuse thì Người toàn nói chuyện qua giấc chiêm bao, Tin Mừng thời thơ ấu của thánh Mátthêu có 48 câu thì mơ hết 4 lần, trung bình cứ 12 câu mơ một lần. Phải chi bây giờ Chúa muốn chọn ai thì Người cũng tỏ mình ra cụ thể như thế thì đỡ biết mấy, mình khỏi phải giải đáp câu hỏi rất thường hay gặp: cha thấy con có ơn gọi không cha ? Ơn gọi của cha, cha còn không thấy làm sao thấy được ơn gọi của con ! Ngày xưa Chúa ở xa người ta quá, muốn gọi ai thì Người bay đến gặp, như thiên thần Gabriel đến gặp Đức Mẹ vậy. Bây giờ thì Chúa đã phục sinh, chẳng còn tường lũy, không gian hay thời gian, hữu hình hay vô hình nào ngăn cách nổi, nên Chúa ở quá gần, ngay trong tâm lòng người ta, cho nên bây giờ người ta chỉ nghe tiếng gọi, nhè nhẹ và mơ hồ từ trong chính mình: "Hãy theo Ta". Ai lắng tai thì nghe. Lắng trong cầu nguyện sẽ nghe, còn nếu Chúa không chịu nói tức là gật đầu, cứ thế mà theo, đúng sai bây giờ không phải tại con mà tại Chúa !

Chúa gọi: "Hãy theo Ta", không phải đi theo thập giới cũng chẳng đi theo luật dòng, nhưng đi theo một con người có thể thọc tay vào cạnh sườn được. Đi tu là theo sát Chúa Kitô, sát chứ không phải cách xa vài chục mét. Mình vốn yếu đuối, theo sát có tai nạn gì may ra Chúa còn cứu kịp, xa quá lỡ khi có chuyện Chúa có “bay tới” cũng chậm mất rồi.

Có một sự thật hơi bị đau lòng, ấy là có nhiều người giữ đạo đồng nghĩa với giữ 10 điều răn Đức Chúa Trời và 6 luật điều Hội Thánh. Người ta bị các giới răn luật lệ ràng buộc hơn là ánh mắt Thiên chúa nhìn mình mà đem lòng yêu mến. Người ta quên mất, đi đạo là đi theo một con người. Ra giải tội ngoài Bắc, mình gặp thấy những kiểu xưng tội luật ơi là luật. Thưa cha, điều răn thứ nhất con không phạm, điều răn thứ hai con kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ 10 lần, điều răn thứ ba con không phạm, điều răn thứ tư con có cãi lại mẹ con ... Để ý mà xem, có nhiều người dân tuân thủ luật lệ rất đàng hoàng nhưng không hề biết ai là chủ tịch nước ! Mình đi tu phải theo sát Chúa hơn người sống ngoài đời, Chúa muốn mình phải vậy mà người ta cũng đòi mình phải vậy. Ánh mắt nhân ái khoan dung kia còn hơn cả giới luật. Khi mình chưa bước theo thì ánh mắt ấy đã theo mình tự lúc nào rồi. Chúa nói với Nathanael mà như nói với mình: "Lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi". Thánh Phêrô đã gặp ánh mắt ấy sau khi chối Thầy 3 lần và ông òa khóc nức nở. Lòng của người môn đệ khi ấy mới chạm đến lòng Thầy, để rồi ông sẽ nói lên: Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy. Đó là mối liên hệ riêng biệt một Thầy một trò không ai có thể có được, không có mẫu số chung. Trong nhà dòng mình cũng có mấy cha được yết kiến Đức Giáo Hòang. Thật hãnh diện và hạnh phúc. Kinh nghiệm đích thân ấy ăn đứt mấy cái tông thư tông huấn bác học.

Người thanh niên đến gặp Đức Giêsu đã giữ các giới răn từ thuở bé nhưng vẫn thiếu một điều: phải "giữ" ông Thầy này, phải "giữ" cái người làm ra luật đây này. Nếu đem cái câu "nhất nam viết hữu thập nữ viết vô" mà áp dụng ở đây thì có thể nói "nhất Sư viết hữu, thập giới viết vô" nghĩa là nếu có Thầy thì kể là có, còn có cả mười giới răn mà không có Thầy thì vẫn kể là không. Thật vậy, Chúa Giêsu bảo bán hết cả đi mà, chỉ cần duy nhất một điều thôi: hãy theo Ta. Tin Mừng nói Đức Giêsu nhìn chàng thanh niên mà đem lòng yêu mến. Ngài lấy lòng yêu mến mà kêu gọi anh ta trở nên môn đệ Ngài. Gác hết mọi thứ qua một bên đi, không những của cải mà cả cái tự hào giữ các giới răn từ thuở bé nữa. Ở đây chỉ có Thầy, trò và một mối dây yêu thương mà thôi.

Kết thúc Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Chúa Giêsu nói gì ? Hãy đi thâu nạp môn đệ, rửa tội cho họ, dạy cho họ Lời Chúa ... Cái trước hết là thâu nạp môn đệ, nghĩa là xây dựng cái tình thầy trò, cái nhìn nhau mà đem lòng yêu mến. Đâu có phải người ta đói, đem một bao gạo tới rồi đè đầu người ta xuống rửa tội rồi bảo họ là môn đệ Chúa Kitô. Đâu có phải là vô lớp dạy ráo riết dăm bữa nửa tháng như dạy toán lý hóa sinh. rồi trả bài, rồi rửa tội, rồi bảo rằng đó là môn đệ Chúa Kitô. Vì vậy, dạy giáo lý dự tòng quan trọng nhất vẫn là tạo cho được cái quan hệ Thầy trò yêu thương đó, chứ không phải là nhồi nhét một mớ lý thuyết kinh kệ.

Người sống ngoài đời còn cần có quan hệ thiết thân với Chúa Giêsu huống nữa là mình. Lắm khi mình chạy đầu nọ đầu kia tối tăm mặt mũi cả ngày, bỏ vắng nhà nguyện. Ừ thì mình cũng có thể bao che rằng mình làm việc cho Chúa chứ đâu có làm gì khác đâu, có thể nhớ tới Chúa trong công việc, vừa làm vừa cầu nguyện ... nhưng hình như đó chỉ là lấp liếm không thật ... Công việc nó quay mình như chong chóng cả ngày, về tới nhà mệt phờ ra, kinh kệ qua loa chiếu lệ. Rồi một hôm bỗng thấy mình làm việc như một công chức, không phải của nhà nước mà của nhà dòng. Hình như những công việc mình làm giáo dân họ cũng có thể làm được, mà có khi làm hay hơn. Mình là kỹ sư, là nhà hoạt động xã hội, giáo sư, y sĩ, văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, giáo sĩ, lung tung sĩ ... mà quên làm tu sĩ, quên theo sát Chúa Kitô.

Các gia đình ở ngoài đời cũng thường rơi vào hoàn cảnh như mình. Mới yêu nhau thì thân mật lắm, cưới nhau là bước vào thời trăng mật, mật nào cũng ngọt như đường cát mát như đường phèn. Chẳng được bao lâu, cả hai đều phải lè lưỡi kiếm ăn, thân mật với trăng mật đội nón ra đi, giờ chỉ còn lại dập mật. Làm việc là xây dựng gia đình mà. Cả hai ông bà thường xuyên cơm hàng cháo chợ, chẳng còn thời gian dành cho nhau nữa. Tình yêu dần dần ra nhạt, ông bà quên mất cái gốc do đâu mà có gia đình mình. Nhớ sao cái thuở ban đầu hạnh phúc, có nhau là ưu tiên 1. Gốc gác đời tu mình cũng thế thôi, mình với Chúa có nhau là ưu tiên một, nếu mối tương quan ấy nằm đúng ở vị trí số một tức là đi tu.

Có bà cụ bảo cháu thế này: đi tu đi cháu, bảo đảm nước thiên đàng, sống ở ngoài cheo leo lắm. Đi tu là tìm cõi sống thanh nhàn đời đời kiếp kiếp chẳng cùng Amen ư ? Vậy là đối với bà cụ, đi tu là để cho mình sướng, cho dù là sung sướng thiêng liêng đi nữa. Vậy thì đi tu là đi tìm mình, tìm thoải mái cho mình, Chúa có kí lô gam nào đâu. Thánh Gioan khi viết Tin Mừng đã để cho Chúa nói câu đầu tiên thế này: "Các ngươi tìm gì ?" Tìm Chúa hay tìm chốn thanh nhàn ... Người thanh niên gặp Chúa cũng muốn tìm chốn thanh nhàn làm gia nghiệp. Anh ta chỉ mong tìm mình và không muốn bán cái gì của mình hết. Chúa thì ngược lại, Ngài chỉ muốn anh ta có duy nhất một mình Ngài làm gia nghiệp. Anh muốn có sự sống đời đời làm gia nghiệp ư, quăng luôn cái sự sống đời đời của anh đi, Ta là thiên đàng đây này, Hãy theo Ta !

Mình tìm Chúa hay công việc của Chúa ? Mình nhớ ngày khấn trọn đời mình đã chọn một câu của thánh Phaolô làm kim chỉ nam cho đời mình. Có một thời gian đã trôi qua từ ngày ấy, có niềm vui thành công, có nỗi buồn thất bại trong việc tông đồ, có vết thương vì đã không giữ tròn lời khấn, có niềm vui ngây ngất khi cảm nghiệm Chúa ở cùng, bây giờ có lẽ mình phải thêm vào chút ít: Tôi coi tất cả là thiệt thòi, kể cả công việc của Chúa, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, kể cả công việc của Chúa, và tôi coi tất cả là rác rến, kể cả công việc của Chúa, để được có Đức Kitô, và được thuộc về Người. Cả cuộc đời thánh Phaolô trước và sau khi ngã ngựa đều là "đuổi theo để mà chiếm đoạt", đều là hung hăng làm sao bắt cho được Chúa. Trước thì ông muốn Chúa biến mất trên cõi đời này, sau thì ông ra công tìm cho bằng được. Tất cả chỉ vì một cái chụp bắt.

Mình cũng bị túm lấy rồi, nhưng lề mề chậm chạp, có ráo riết truy tìm Chúa đâu !